Không chỉ là "đầu tàu" của bản, ông còn là tấm gương tích cực lao động sản xuất, góp phần xây dựng bản làng đổi mới và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Cùng với một cán bộ bộ đội biên phòng được tăng cường đến công tác tại xã Hóa Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình ông Cao Văn Minh khi ông vừa trở về sau khi đưa đàn dê chăn thả trên khu rừng trồng gần đèo Lập Cập.
Người đàn ông có dáng hình khiêm tốn nhưng rắn rỏi, bước đi nhanh nhẹn, miệng luôn cười nói này từng có nhiều năm làm trưởng bản Lương Năng, ngay dưới chân đèo. Ông cho biết, bây giờ đã có đường bê-tông vượt qua đèo chứ trước đây, từ trung tâm huyện Minh Hóa vào xã Hóa Sơn phải mất nửa ngày vì đường quá khó khăn.
Ðể vượt được đèo quanh co này, cách duy nhất là đi bộ với hàng tiếng đồng hồ. Lên dốc cao, đôi chân mỏi va vào nhau lập cập, từ đó người dân đặt luôn tên đèo là đèo Lập Cập. Ở khúc đường quanh co vừa ra khỏi đèo là bản Lương Năng vốn nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn và cả thiếu quyết tâm vươn lên để thoát nghèo.
Ông Minh chia sẻ, trước đây, người dân còn thụ động, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa tìm cách sản xuất để tạo lập đời sống và cũng chưa có mô hình để dân bản học, làm theo.
Nhận thấy tiềm năng đất đai khá lớn nhưng chưa được phát huy, ông Minh lên xã xin nhận đất để cho họ trồng rừng. Ông làm đầu, đi trước khi trồng 3 ha cây keo lai trên triền dốc, rồi nuôi thêm bò, dê và gà dưới tán rừng theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Sau ít năm sau có nguồn thu, ông mở rộng diện tích trồng rừng.
Từ nguồn thu kinh tế đồi rừng, vợ chồng ông làm nhà cửa khang trang và có điều kiện cho các con học đại học, trung cấp, giờ đã trưởng thành. Người dân nhìn ông làm rồi học làm theo.
Cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan cấp huyện và chính quyền địa phương, các hộ dân ở Lương Năng và các bản ở chung quanh đều thực hiện mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Ðường sá đi lại thuận lợi hơn nên đầu ra sản xuất không phải lo như trước.
Theo Bí thư Chi bộ Cao Văn Minh, hai năm gần đây, giá gỗ rừng trồng tăng cao nên người dân rất vui và tìm cách để nâng diện tích trồng rừng. Tuy nhiên, chủ trương của huyện Minh Hóa và xã Hóa Sơn là động viên, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn chứ không thu hoạch sớm để bán. Rừng gỗ lớn vừa có giá trị kinh tế cao, vừa chống chịu được gió bão và các hình thái thời tiết khắc nghiệt. Trên cơ sở chỉ đạo của Ðảng ủy xã, Chi bộ bản có nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên, dân bản chuyển dần sang trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo nuôi cấy mô và giống cây bản địa.
"Ðây là công việc không dễ dàng khi mà đời sống người dân chưa phải hết khó khăn, cần nguồn thu nhập để trang trải đời sống nhưng làm được thì hiệu quả mang lại rất cao, lại giữ được đất, bảo vệ môi trường sinh thái", ông Minh chia sẻ.
Bản Lương Năng có 95 hộ dân với gần 450 người dân thuộc 5 tộc người của dân tộc Chứt cùng chung sống, mỗi tộc người đều có bản sắc văn hóa riêng. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc gắn với xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư không chỉ là công việc của hệ thống chính trị mà còn cần sự tham gia của đồng bào.
Xác định mình phải là hạt nhân, đi đầu trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, ông Minh thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; làm theo các quy ước, hương ước cộng đồng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; khôi phục các làn điệu dân ca, nhạc cụ của tộc người để tấu diễn trong các dịp lễ hội của bản và xã Hóa Sơn.
Với những thành tích này, năm 2024, ông vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hóa Sơn Ðinh Hồng Tuyên nhận xét, Bí thư Chi bộ bản Lương Năng Cao Văn Minh là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, được người dân tin tưởng, yêu mến. Những năm qua, dù với vai trò là trưởng bản hay bí thư chi bộ, đồng chí đều có đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở vùng đất khó như Hóa Sơn, bản thân đồng chí và gia đình đã sáng tạo, linh hoạt trong vận động, thuyết phục để đồng bào hiểu được lợi ích của việc xây dựng bản làng để có trách nhiệm cũng như những đóng góp vào công việc chung, vì mục tiêu chung.
Gia đình đồng chí đã nêu gương, tiên phong trong việc hiến đất lấy mặt bằng xây dựng tuyến đường và đóng góp tiền, ngày công để hoàn thành các công trình dân sinh. Nhờ đó đến nay, bản Lương Năng đã có diện mạo mới, góp thêm vào bức tranh chung xã Hóa Sơn ngày càng khang trang, thanh bình dưới mái Trường Sơn hùng vĩ.