Đi biển gần bờ vốn là nghề mưu sinh của anh Trần Kim Phi cũng như những nam giới ở xã Ngư Thủy Bắc. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nghề đánh bắt ở vùng lộng khá bấp bênh do nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, trong khi chi phí đi biển cao. Năm 1997, anh Phi quyết định bỏ nghề đi biển vào phía nam học cách làm ăn. Sau ít năm trở về quê hương, anh nuôi thử nghiệm con cá lóc trên vùng đất cát của quê hương. Trần Kim Phi cho biết, ban đầu anh đào ba cái ao, diện tích mỗi ao khoảng 80 m2 thả nuôi cá lóc và tận dụng nguồn cá nhỏ của bà con đi biển mang về để làm thức ăn. Sau bốn tháng nuôi, anh thu hoạch được hơn 1 tấn cá, thu lãi hơn 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Nhận thấy mô hình nuôi cá lóc trên cát có hiệu quả, anh Phi quyết định chuyển đổi dần diện tích đất trồng cây hằng năm của gia đình sang đào ao thâm canh nuôi cá lóc. Anh dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu thêm tài liệu, quy trình nuôi thủy sản theo công nghệ mới để áp dụng vào việc nuôi cá lóc của gia đình. Theo anh Phi, với ao có diện tích mặt nước khoảng 300 m2, độ sâu 1-1,5m thì thả khoảng 30.000 cá giống. Thời gian nuôi từ 7-9 tháng là có thể xuất bán. Sản lượng trung bình của mỗi hồ đạt 13-15 tấn cá thương phẩm. Giá cá lóc thương phẩm bình quân khoảng 50 nghìn đồng/kg thì tổng thu mỗi ao đạt khoảng 700-750 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi từ 100 đến 150 triệu đồng. Từ thành công của gia đình, những năm qua, anh Trần Kim Phi đã giúp nhiều hộ nông dân trong xã Ngư Thủy Bắc xây dựng ao, hồ, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, cá giống để nuôi cá lóc, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho bà con.
Anh Trần Kim Phi đưa chúng tôi ra khu trang trại mà anh đang thực hiện mô hình nuôi cá lóc công nghệ cao. Khu trang trại này vừa là nơi nuôi, vừa là kho chứa thức ăn cho cá, ếch và cũng là địa điểm thu mua cá lóc thương phẩm cho người dân trong vùng. Sát bên hiên nhà kho là những hồ nuôi cá hình tròn có đường kính khoảng 6m, đáy có độ sâu 1-1,2m được xây kiên cố bằng xi-măng, bên trong lót bạt, phía trên che bằng lưới để giảm ánh sáng và nắng. Anh Phi mang ra một chậu nhựa nhỏ đựng thức ăn, gõ gõ vào thành chậu, đàn cá nghe tín hiệu quen thuộc nhao lên tranh thức ăn làm nước bắn tung tóe. Anh cho biết, mỗi hồ thả chừng 10.000 cá giống, khi được một tháng tuổi, anh tách đàn cá ra làm hai hồ để nuôi thương phẩm. Nước trong hồ được thay mỗi ngày, lượng thức ăn cũng được kiểm soát tốt nên cá sinh trưởng nhanh, ít bị dịch bệnh. Thông thường, cá nuôi trong ao loại này khoảng sáu tháng là xuất bán, mỗi hồ thu chừng 2,5-3 tấn cá. “Đây là mô hình nuôi cá không đào ao trên đất cát đầu tiên ở địa phương. Lợi thế của công nghệ mới là tiết kiệm được chi phí, diện tích, lại không quá phụ thuộc điều kiện thời tiết, không phải nạo vét hồ nên có thể nuôi quanh năm. Tôi đang nghiên cứu thiết kế hồ theo hướng nhỏ gọn, bền vững hơn để có thể cẩu dịch chuyển đặt ở nhiều vị trí chứ không cố định như bây giờ. Kinh phí làm một hồ bằng xi-măng chỉ khoảng 20 triệu đồng”, anh Phi chia sẻ.
Cách đây chừng 5 năm, anh thành lập và làm Giám đốc Hợp tác xã Kim Phi để cung ứng giống, thức ăn và thu mua sản phẩm cá lóc cho bà con tại địa phương. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã Kim Phi cung cấp 10-12 triệu con cá giống, hơn 3.000 tấn thức ăn cho cá và ếch; thu mua, tiêu thụ khoảng 3.500 tấn cá lóc thương phẩm cho các hộ nuôi. Thị trường tiêu thụ sản phẩm cá lóc của Hợp tác xã Kim Phi không chỉ ở trong tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh ở miền trung, miền bắc. Năm 2023, tổng doanh thu của Hợp tác xã đạt hơn 20 tỷ đồng, lợi nhuận gần 3,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng và khoảng 30-40 lao động theo mùa vụ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngư Thủy Bắc Trần Văn Lĩnh cho biết, toàn xã hiện có hơn 150 hộ nuôi cá lóc, trong đó hàng chục hộ có 5-6 hồ nuôi. Sản lượng cá lóc của toàn xã đạt từ 3.000 đến 3.600 tấn, doanh thu 100-125 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả, tạo dựng được cơ sở vật chất khang trang cho gia đình. Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình Đỗ Thị Hoài Thu nhận xét: “Hợp tác xã Kim Phi và cá nhân anh Trần Kim Phi là tấm gương tiêu biểu về tinh thần và ý chí vượt khó vươn lên làm giàu ở vùng bãi ngang ven biển. Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Phi còn làm tốt công tác từ thiện, xã hội, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương ■