Buổi chiều, hai vợ chồng ông Lê Văn Thành (thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) tranh thủ cắt mùng về làm thức ăn cho ốc. Hai ao nuôi ốc bươu đen của ông vừa cho thu hoạch một tạ sau hơn ba tháng nuôi. Hiện tại, ông đang mở rộng thêm ao thứ ba với tổng diện tích 2.000 m2. Ba ao ốc này là kết quả của phong trào khai thác đất nông nghiệp bỏ hoang được toàn huyện phát động. Đây là diện tích đất của xã để không nhiều năm nay, cỏ sậy mọc um tùm. Được xã vận động, cùng với nhiều lần tham gia đào tạo các khóa học về chăn nuôi, ông Thành đã mạnh dạn đăng ký thuê đất và triển khai mô hình nuôi ốc bươu đen.
Ngày thuê máy móc về dọn dẹp thửa đất, các hội viên nông dân cũng đến góp ngày công để giúp gia đình nhanh chóng hoàn thành việc cải tạo đất. Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ con giống, 2 ao ốc bươu đen ban đầu nay đã cho thu hoạch. Ông Thành cũng đã chủ động được nguồn con giống để nuôi gối đầu. “Mới vụ đầu chưa quen nên ốc còn chưa lớn lắm, nhưng tôi đã đúc kết dần được kinh nghiệm cũng như nắm vững kỹ thuật. Hiện tại thương lái đặt mua rất nhiều, ốc không đủ để bán, giá cũng luôn ổn định. Về lâu dài, gia đình có thể thu lãi từ mô hình này” - ông Lê Văn Thành chia sẻ.
Cách đó không xa, tại thôn Dương Sơn, 1 ha đất ruộng đã được cải tạo để làm mô hình nông nghiệp tuần hoàn cũng dần hình thành từ bàn tay anh Đặng Thái Lâm (sinh năm 1986). Ngay khi được phê duyệt cho thuê đất, anh Lâm đã đầu tư máy móc đào ao, cải tạo mương dẫn nước, khai thác đất để trồng sen, súng kết hợp chăn nuôi các loài ốc, cá, vịt, ong.
Vốn đã thành công với một nông trại sen kết hợp du lịch giáo dục trải nghiệm tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên), cho nên khi được Hội Nông dân xã Hòa Tiến vận động, khuyến khích khai thác đất mở rộng mô hình tại Dương Sơn, anh đồng ý ngay. Theo đó, mô hình được thực hiện theo hướng tuần hoàn, côn trùng sẽ hút mật từ hoa, gia cầm, ốc sẽ giúp diệt sâu bệnh, cỏ dại để người nông dân không cần sử dụng đến thuốc hóa học. Đồng thời, nông trại sau khi hoàn thiện cho thu hoạch các sản phẩm thì còn triển khai làm mô hình tham quan, trải nghiệm học tập.
Anh Thái Lâm tâm sự: “Mọi thứ vẫn đang ở giai đoạn đầu, bởi đất mới chỉ khai thác vài tháng nay, nhưng khi vừa làm, tôi luôn được Hội nông dân ủng hộ, vận động, cũng như thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ nên hội viên như tôi có thêm tinh thần làm việc cũng như có quyết tâm “bám” vào mô hình của mình”. Đây là hai trong rất nhiều mô hình đang được Hội Nông dân xã Hòa Tiến triển khai thành công trong nhiều tháng qua từ việc khai thác đất nông nghiệp bỏ hoang.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hòa Vang ngày càng có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang không sản xuất được do thiếu nước tưới, đất ở vị trí trũng thấp ngập úng hoặc đất bạc màu, đất ảnh hưởng dự án… Ngay từ đầu năm 2024, Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch phát động mô hình dân vận khéo “Nông dân Hòa Vang khôi phục đất nông nghiệp bỏ hoang trên địa bàn huyện” để triển khai ở toàn bộ 11 xã.
Theo đó, từ giữa tháng 3, lễ phát động đã được tổ chức, hội viên và nông dân toàn huyện cùng ra quân cải tạo đất nông nghiệp bỏ hoang nhằm khôi phục sản xuất. Hội Nông dân các xã đã tham mưu cho Đảng ủy và phối hợp Ủy ban nhân dân xã triển khai rà soát diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang ở từng thôn và tập trung họp người dân vận động khôi phục sản xuất.
Ủy ban nhân dân các xã và huyện Hòa Vang đã hỗ trợ bước đầu một số diện tích đất cần cải tạo; khơi thông, dẫn nước ở một số mương tưới tiêu và hỗ trợ giống, phân bón… để tạo điều kiện cho người dân triển khai khôi phục và đi vào sản xuất. Với những diện tích đất khai thác, tùy vào điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước, mỗi xã lựa chọn những mô hình, cây giống phù hợp. Qua 6 tháng triển khai, hội viên nông dân đã khôi phục được 51,8 ha đất nông nghiệp bỏ hoang. Trong đó, chủ yếu triển khai trồng lúa nước như ở các xã Hòa Phong, Hòa Tiến; một số vùng thực hiện mô hình trồng sen, nuôi ốc bươu đen kết hợp du lịch trải nghiệm như các xã Hòa Tiến, Hòa Phú, Hòa Khương; trồng rau màu, cây ngắn ngày như các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong… bước đầu được tổ chức sản xuất ổn định.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang Nguyễn Thị Vân cho biết: “Trước hiệu quả mang lại của chương trình này, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động hội viên và nông dân triển khai khôi phục những diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang để đưa vào sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đất nông nghiệp, từng bước góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”.