Khi xem các thông tin về bão số 3 và tình hình mưa lũ sau bão tàn phá các tỉnh phía bắc, bà con ở thôn Nam Yên không khỏi lo lắng. Thôn Nam Yên là nơi thường xuyên bị ngập lụt, có năm nước lụt dâng cao gần hết nhà cửa cho nên người dân tại đây có nhiều kinh nghiệm ứng phó, cũng như sự đồng cảm với đồng bào các nơi đang khắc phục hậu quả sau thiên tai. Hiểu rõ những nguy hiểm của lũ lụt, nhất là trong giai đoạn tìm kiếm cứu nạn, xây dựng lại đời sống sau bão lũ rất cần lương thực, thực phẩm, các nhà hảo tâm cùng người dân thôn Nam Yên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Bắc cùng nhau chế biến món thịt ngâm nước mắm gửi đến người dân các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.
Ngay từ khi bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh phía bắc, nhận định việc cần nhất trong thời điểm này là dự trữ nguồn thực phẩm, tuy nhiên, khi cơn bão đổ bộ và quét đi tất cả, bà con ở Nam Yên cho rằng, thịt heo sẽ được lựa chọn để gửi đến người dân vùng lũ bởi đây là thực phẩm dễ sử dụng, phù hợp với nhiều người. Dựa trên kinh nghiệm ứng phó với bão lũ các năm trước, các bậc cao tuổi trong thôn cho rằng, quá trình cứu hộ cứu nạn sẽ rất lâu. Chưa kể đến việc xây dựng lại cơ sở vật chất mà ngay trong những ngày tháng người dân phải sống chung với bùn non thì việc làm no bụng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là điều căn bản nhất.
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Hòa Bắc Nguyễn Đặng Thị Việt cho biết: “Hơn bao giờ hết, sự đoàn kết, sẻ chia trong mùa mưa bão là điều cần nhất trong thời điểm này. Ngay khi chúng tôi kêu gọi, đã có một nhà hảo tâm đóng góp 150 kg thịt heo đã sơ chế. Sau khi chế biến thành phẩm, các hũ thịt ngâm nước mắm sẽ được tập hợp cùng đợt hàng hỗ trợ của huyện Hòa Vang, vận chuyển cho các địa phương đang bị bão lũ tàn phá. Các hộ dân cùng góp chút sức lực của mình với mong muốn đồng bào vùng bị thiên tai sớm quay lại với cuộc sống thường ngày. Có hộ góp đường, nước mắm, có những nhà hảo tâm đóng góp kinh phí, thịt heo”.
Để các phần thịt bảo quản được trong thời gian dài, chị em chế biến theo cách luộc chín thịt, sau đó cho thịt vào hũ và ngâm trong hỗn hợp nước mắm và đường, ớt tỏi. Công thức chế biến này được phần lớn bà con trong thôn đồng ý bởi tính an toàn khi bảo quản khoảng một tháng. Ngay từ sáng sớm ngày 13/9, mỗi người mỗi việc tập trung nấu nước mắm đường, đóng nắp, sẵn sàng vận chuyển các hũ thịt ra miền bắc. Với khối lượng trung bình mỗi hũ thịt là hơn 700 g, đây là những món quà chứa đựng tình cảm của người dân Nam Yên gửi ra vùng thiên tai.
“Nhìn hình ảnh dòng người chạy lũ, mưa gió tàn phá mọi thứ làm mất người, mất của, tâm trạng mỗi chúng tôi đều thấy rất đau xót. Do đó, Hội Chữ thập đỏ xã cùng người dân thực hiện kế hoạch nấu thịt heo. Hoạn nạn ập đến là lúc lòng nhân ái, ơn nghĩa đồng bào cần được phát huy mạnh mẽ nhất. Các thôn trên địa bàn toàn xã Hòa Bắc nói chung và thôn Nam Yên nói riêng đều có chung quan điểm lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Hy vọng, đồng bào miền bắc gặp được những điều tốt lành nhất”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Bắc Hồ Thị Gái bày tỏ.
Ngoài những phần thịt ngâm nước mắm, nhân dân thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc còn đóng góp bằng tiền mặt nhằm chuyển đến Ban Vận động cứu trợ Trung ương. Đặt bản thân mình vào vị trí đồng bào giữa vùng bị thiệt hại sau bão lũ, mỗi người dân cùng đóng góp, sẻ chia trên tinh thần người có công thì góp công, người có của thì góp của. “Thời gian tới, chính quyền cùng nhân dân thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc sẽ tiếp tục vận động, quyên góp, phân công lực lượng đi đến những nơi bị thiên tai tàn phá để cùng sẻ chia trong cơn hoạn nạn. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn bà con ở các tỉnh, thành phố phía bắc sớm vượt qua khó khăn, khắc phục những hậu quả do thiên tai gây ra”, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Hòa Bắc Nguyễn Đặng Thị Việt nói.
Cũng trong đợt này, ngày 14/9, đoàn hỗ trợ của huyện Hòa Vang vận chuyển 1.000 kg thịt heo ra các tỉnh phía bắc, cung cấp cho nhiều địa phương. Những dòng chữ nhỏ “Món quà nhỏ trợ lực - Xin chia sẻ cùng đồng bào miền bắc! Bà con mình cố gắng nhé” được đính kèm trên nắp hũ thịt là tình cảm chân thành của người dân thôn Nam Yên gửi đến đồng bào vùng bị thiên tai.