Hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng

Những năm qua, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) phối hợp với chính quyền các địa phương vùng đệm thực hiện các hoạt động hỗ trợ sinh kế, xây dựng các công trình dân sinh, qua đó giúp nâng cao đời sống cho người dân, giảm áp lực lên tài nguyên rừng, hướng tới quản lý bảo vệ rừng di sản bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân vùng đệm xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch được hỗ trợ nuôi ong lấy mật.
Người dân vùng đệm xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch được hỗ trợ nuôi ong lấy mật.

Vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có diện tích hơn 220.000 ha, gồm có 13 xã thuộc 3 huyện, trong đó chủ yếu là huyện Bố Trạch. Dân số vùng đệm hơn 65.000 người và nhìn chung đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Một số nơi thiếu đất canh tác, sinh kế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tài nguyên rừng.

Vì thế, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh Quảng Bình và huyện Bố Trạch, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã dành nhiều nguồn lực và huy động kinh phí để hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân các xã vùng đệm cũng như xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của bà con.

Gia đình ông Ðinh Xuân Hòa ở thôn Bồng Lai 2, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch là một trong những hộ dân được hỗ trợ mô hình sinh kế để phát triển sản xuất, hướng tới giảm nghèo bền vững. Ông Hòa chia sẻ, trước đây, cuộc sống của gia đình còn gặp nhiều khó khăn, bởi vậy, ông và những người dân trong thôn Bồng Lai 2 thường vào rừng chặt gỗ để trang trải cho cuộc sống hằng ngày.

Từ khi Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được công nhận là di sản, ông và người dân trong thôn từ bỏ việc khai thác trái phép gỗ trong rừng nhưng cũng khá chật vật tìm nghề để sinh sống. Khu vực Bồng Lai bao quanh là rừng núi, ít đất trồng lúa nên việc chuyển đổi nghề nghiệp không đơn giản. “Năm 2021, gia đình tôi cùng một số hộ dân ở thôn Bồng Lai 2 nhận được hỗ trợ 30 đàn ong từ Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Cùng với các đàn ong giống, tôi được cán bộ của Vườn quốc gia hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong lấy mật. Nhờ được cầm tay chỉ việc và học hỏi người làm trước, đến nay tôi đã phát triển mô hình thành 12 đàn ong. Mỗi năm, mô hình nuôi ong cho thu hoạch khoảng 100 lít mật, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình”, ông Hòa cho biết.

Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Bồng Lai 2 Hoàng Văn Bình cho rằng, cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng, chăm sóc bảo vệ rừng..., mô hình phát triển kinh tế này mang tới cho những hộ dân nguồn thu nhập ổn định để nâng cao đời sống. Gần đây, Vườn quốc gia còn hỗ trợ vật liệu làm các công trình phúc lợi để cộng đồng dân cư trong thôn được hưởng lợi. Thôn Bồng Lai 2 đã làm được một số tuyến đường và kênh mương thủy lợi bằng bê-tông từ hỗ trợ của Vườn quốc gia. Sự trợ giúp đó không chỉ làm thay đổi bộ mặt nông thôn mà còn tạo thuận lợi trong sản xuất cho bà con.

Xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch có 10 thôn, trong đó bảy thôn nằm trong vùng đệm, vùng giáp ranh của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Ðể hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống bên rừng di sản, nhiều năm qua, Ban quản lý Vườn quốc gia đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng với nhóm hộ ở địa phương, sử dụng nguồn kinh phí bảo vệ rừng để trả tiền công cho người dân.

Cách làm này vừa tạo ra thu nhập ổn định, vừa gắn trách nhiệm của chính người dân ở gần rừng trong việc bảo vệ rừng di sản. Lãnh đạo Vườn quốc gia cũng linh hoạt trong việc sử dụng lồng ghép các nguồn kinh phí hợp pháp khác để giúp xã Xuân Trạch xây dựng công trình điện chiếu sáng trên đường, trang cấp các thiết bị ở các nhà văn hóa thôn.

So với trước thì hiện nay, tác động trái phép của người dân đến tài nguyên rừng được hạn chế ở mức tối đa. Có được kết quả này là nhờ lãnh đạo Vườn quốc gia phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác hỗ trợ sinh kế cho người dân và chính bà con cũng nâng cao ý thức trong việc giữ rừng, chuyển từ khai thác trái phép sang bảo vệ để hưởng lợi từ rừng di sản.

Hoàng Hữu Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch

Mặt khác, Vườn quốc gia cũng dành nhiều nguồn lực để giúp đỡ địa phương xây dựng, nâng cấp nhiều công trình hạ tầng, phúc lợi. Hiện, xã miền núi Xuân Trạch đạt 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Ngọc Anh, đại diện Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cho biết, thời gian qua, Ban quản lý Vườn quốc gia đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ 13 xã vùng đệm về giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các công trình phục vụ đời sống dân sinh, các thiết chế văn hóa.

Có thể nêu ra vài con số đã thực hiện trong năm qua như sau: Cung cấp, hỗ trợ hơn 122.500 cây giống các loại, 311 con lợn giống, 61 con bò giống, 60 con dê giống, 14.700 con gà giống, hơn 100 đàn ong giống; hỗ trợ vật liệu để cải tạo, nâng cấp hơn 20 nhà văn hóa, vật liệu làm đường nội đồng 1,6 km; hỗ trợ kinh phí làm sáu giếng khoan cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt.

Qua quá trình sản xuất, chăn nuôi, nhiều mô hình kinh tế như: Nuôi gà thịt, trồng nấm ăn và nấm dược liệu, nuôi ong lấy mật, đan lát hàng mây tre đan, mô hình bảo vệ rừng cộng đồng... đã phát huy hiệu quả, mang tới nguồn thu nhập khá cho người dân.

Bên cạnh đó, hàng năm, Vườn quốc gia ký hợp đồng bảo vệ rừng với người dân thôn, bản vùng đệm, vùng lõi, vùng giáp ranh; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương thông qua các hoạt động dịch vụ, du lịch, như: Nhiếp ảnh, bán hàng lưu niệm, nhà hàng ăn uống, khách sạn, nhà nghỉ, phục vụ đưa đón khách tham quan bằng thuyền trên sông Son, khách trải nghiệm, khám phá tại các tuyến, điểm du lịch trong Vườn...

Ông Trần Ngọc Anh thông tin thêm, hiện nay, từ nguồn vốn của chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và chương trình thỏa thuận chi trả nguồn phát thải rừng, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các thôn, bản nâng cấp cơ sở hạ tầng và tạo sinh kế giúp người dân giảm nghèo bền vững, qua đó góp phần giảm áp lực lên tài nguyên rừng quốc gia.

Việc hỗ trợ cộng đồng phát triển và huy động sự tham gia đầy đủ của cộng đồng địa phương và các bên liên quan khác trong việc bảo vệ bền vững tài nguyên rừng cũng là biện pháp để Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hướng đến Danh lục Xanh IUCN.