ÔNG Tam Ðiệp chảy qua thị xã Bỉm Sơn dài 7.300 m, có điểm đầu là K0+86 nằm ở phía sau chợ Bỉm Sơn và điểm cuối là K7+286 giáp xã Hà Vinh, huyện Hà Trung (đều thuộc tỉnh Thanh Hóa). Từ nhiều năm nay sông Tam Ðiệp đã bị bồi lấp, có đoạn lòng sông bị bồi ngang bằng với mặt ruộng giáp chân đê Tam Ðiệp, bèo tây và các loại rong rêu phát triển mạnh, làm lưu tốc dòng chảy nhỏ. Tại khu vực cầu Tống Giang, nước sông gần như không chảy, nước bị tù đọng ô nhiễm nghiêm trọng. Mùa khô sông Tam Ðiệp gần như cạn kiệt nước, không bảo đảm phục vụ cho người dân các xã Phú Sơn, Quang Trung, Hà Lan sản xuất nông nghiệp. Vào mùa mưa lũ, do tình trạng bồi lắng, nước sông không tiêu thoát kịp. Có năm nước lũ dâng lên khá cao, cường độ dòng chảy lớn, gây ra nhiều xói lở bờ sông, ảnh hưởng đến toàn bộ tuyến đê Tam Ðiệp.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn Tống Thanh Bình cho biết: "Ðể khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất vào mùa hạn, phòng, chống lụt úng vào mùa mưa, bảo đảm ổn định cuộc sống và sản xuất của nhân dân trong vùng ảnh hưởng sông Tam Ðiệp, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận cho thị xã Bỉm Sơn làm chủ đầu tư Dự án nạo vét lòng sông Tam Ðiệp theo Văn bản số 1711/UBND-THKH, ngày 11-3-2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Ðây là dự án thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa, có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ðơn vị thi công là Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Lam Sơn đảm nhận nạo vét từ cầu Hà Lan đến đoạn sông giáp xã Hà Vinh, huyện Hà Trung. Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ thương mại Anh Cường tổ chức nạo vét từ cầu Ðo Ðạc đến cầu Hà Lan. Các đơn vị này phải tự bỏ kinh phí tổ chức nạo vét và được phép tận thu đất nạo vét của dự án. Trước khi triển khai thực hiện dự án nạo vét sông Tam Ðiệp, UBND thị xã Bỉm Sơn đã phối hợp với các xã, phường có ảnh hưởng bởi dự án, để tập trung tuyên truyền vận động các hộ dân sử dụng đất ven sông Tam Ðiệp thu dọn trồng cây, hoa màu, giải phóng vật cản để thi công. Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án nạo vét sông Tam Ðiệp, cũng yêu cầu công tác nạo vét phải bảo đảm kỹ thuật. Việc nạo vét thực hiện theo từng đoạn từ hạ lưu lên thượng lưu sông, không được gây sạt lở bờ, ảnh hưởng đến kết cấu, mái đê Tam Ðiệp. Ðối với đất, bùn, cát nạo vét phải đổ đúng bãi tập kết quy định; phương tiện tham gia vận chuyển đất phải chở đúng tải trọng cho phép; các đơn vị thi công phải tổ chức thu gom đất, cát, vật liệu rơi vãi trên đường, nhất là các tuyến đường nội thị mà xe ô-tô của đơn vị thi công chạy qua; tuyệt đối không gây ảnh hưởng, làm ô nhiễm môi trường chung quanh...".
Tuy nhiên, theo nhiều người dân ở xã Hà Lan, thị xã Bỉm Sơn, thì tiến độ thi công dự án nêu trên rất chậm. Sau hai năm (2016-2017), khối lượng nạo vét sông Tam Ðiệp mới đạt 60%. Có điểm nạo vét do Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Nam Cường đảm nhận lại nạo vét sâu hơn thiết kế. Ðáng nói hơn là quá trình vận chuyển bùn, đất bằng phương tiện xe ô-tô về khu vực bãi tập kết, một số lái xe còn để rơi vãi, hoặc cố tình phóng nhanh vượt ẩu, gây bụi mù mịt, khiến nhiều người dân ở thôn Ðoài, xã Hà Lan và người dân sinh sống ven một số tuyến đường nội thị rất bức xúc. Tại Văn bản số 322/CT-UBND, ngày 12-2-2018 của UBND thị xã Bỉm Sơn khẳng định: Những bất cập trong việc nạo vét sông Tam Ðiệp tạo hệ lụy về môi trường, ảnh hưởng tới hạ tầng giao thông do thi công, vận chuyển đất nạo vét sông Tam Ðiệp chưa đúng quy định. Nguyên nhân trước hết thuộc về trách nhiệm của các đơn vị thi công. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát của các đơn vị chức năng thuộc thị xã còn thiếu kiên quyết, chưa xử lý triệt để vi phạm về xe chở đất quá tải, chạy quá tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu và các vi phạm về môi trường.
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản số 3068/UBND-NN, ngày 23-3-2018, về việc tiếp tục thực hiện phương án nạo vét sông Tam Ðiệp trong đó có gia hạn thời gian hoàn thành là trong năm 2018.
Chỉ còn vài tháng sẽ đến mùa mưa, lũ, các cấp chính quyền, ngành chức năng của thị xã Bỉm Sơn cần tập trung chỉ đạo, xử lý kịp thời các tồn tại, vướng mắc tại dự án nạo vét sông Tam Ðiệp để bảo đảm thi công đúng thiết kế, đúng tiến độ quy định. Công an thị xã Bỉm Sơn và các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm lái xe chở đất quá tải từ Dự án nạo vét sông Tam Ðiệp, đồng thời yêu cầu các đơn vị thi công nhắc nhở lái xe, chủ phương tiện cam kết chở đúng tải trọng, xây dựng phương án dọn dẹp, thu gom đất, đá rơi vãi, thực hiện vận chuyển đúng thời gian quy định, tưới nước trên tuyến đường vận chuyển, mới mong hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và giảm tới mức thấp nhất tác động tàn phá cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn, đáp ứng các mục tiêu Dự án đặt ra.