Bảo tồn và phát huy Hội đua bò Bảy Núi

Hội đua bò Bảy Núi thường được tổ chức trong dịp lễ Sene Dolta của dân tộc Khmer Nam Bộ, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân gian của cư dân làm nông nghiệp lúa nước. Đây còn là môn thể thao truyền thống đặc thù của đồng bào Khmer tại tỉnh An Giang, góp phần phát huy bản sắc văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Các đôi bò thi nhau tranh tài sôi nổi.
Các đôi bò thi nhau tranh tài sôi nổi.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, ngày hội đua bò đã có từ lâu và từ năm 1992 trở thành giải thể thao cấp tỉnh. Sau hai năm bị gián đoạn do dịch Covid-19 bùng phát, năm nay, lễ hội đua bò Bảy Núi đã khởi tranh trở lại tại huyện Tịnh Biên với những màn đua “nghẹt thở”, thu hút rất đông khán giả đến xem, cổ vũ. 56 đôi bò đến từ các huyện trong tỉnh An Giang và huyện Giang Thành của tỉnh Kiên Giang cùng tham gia tranh tài theo thể thức loại trực tiếp, đôi thắng tiếp tục vào thi đấu vòng tiếp theo.

Ông Chau Kim Cheng, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn có kinh nghiệm tham gia nhiều cuộc tranh tài đua bò chia sẻ, tuy là môn thi đấu giải trí không mang nặng tính hơn thua nhưng đôi bò đoạt giải là niềm kiêu hãnh, chứng tỏ tài nghệ của chủ nhân. Vì thế, khi thi đấu ai cũng trổ tài điều khiển bò thật khéo léo, những bò đua được chọn phải là bò khỏe, cày giỏi, thi đấu chạy dũng mãnh.

Hội đua bò diễn ra vào lúc nông nhàn, gắn với ngôi chùa và truyền thống Phật giáo Nam Tông, đặc biệt gắn với lễ Sene Dolta (cúng ông bà), là một hình thức sinh hoạt văn hóa nông nghiệp truyền thống, mang tính cố kết cộng đồng rất cao. Hội đua bò đã thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi. Thời điểm này cũng trùng khớp với dịp xuống giống vụ lúa thu đông cho nên bà con Khmer thường mang bò đến cày bừa cho thửa ruộng của chùa trong phum, sóc, gọi là “bừa công quả”.

Cày bừa xong, họ tự thúc bò “bừa đua” xem đôi bò nào nhanh khỏe. Các sư sãi thấy vậy đứng ra tổ chức, treo thưởng đôi bò nào cày giỏi, chạy nhanh sẽ hưởng phần thắng là những sợi dây nài khớp bạc hoặc những vòng lục lạc đẹp mắt. Đây là phần thưởng danh giá gắn với niềm tin về một vụ mùa bội thu cho nên các chủ bò ngày càng quan tâm chăm sóc đôi bò quý của mình. Dần dà, việc tổ chức “bừa đua” được mở rộng quy mô, trở thành ngày hội của đồng bào dân tộc Khmer trong dịp lễ Sene Dolta.

Đến nay, đua bò Bảy Núi đã trở thành “đặc sản” văn hóa vùng, miền độc đáo có một không hai của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Sự tồn tại của Hội đua bò Bảy Núi qua thời gian còn là một bằng chứng sống động thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, gắn bó nhau trong sản xuất và cũng là dịp để bà con vui chơi, gặp gỡ nhau, nuôi dưỡng những tình cảm cộng đồng đẹp, đậm chất nhân văn. Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh, con người, quê hương An Giang đến với nhân dân trong và ngoài nước. Ngày 19/1/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Hội đua bò Bảy Núi thuộc loại hình lễ hội truyền thống vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mới đây, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy Hội đua bò Bảy Núi, tỉnh An Giang”. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, mục đích của đề án nhằm đánh giá toàn diện về thực trạng Hội đua bò Bảy Núi trên địa bàn tỉnh, từ đó đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy và đưa di sản văn hóa phi vật thể này vào cuộc sống và góp phần xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Hội đua bò Bảy Núi phải gắn liền với sự phát triển đồng bộ giữa kinh tế và văn hóa địa phương, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, nhất là thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung, di sản văn hóa phi vật thể Hội đua bò Bảy Núi, An Giang nói riêng... Việc thực hiện đề án nằm trong lộ trình nâng Hội đua bò Bảy Núi An Giang thành Hội đua bò của đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiến tới Hội đua bò quốc tế tại An Giang.