Ngày 31/8, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội đã yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, các trường trực thuộc Sở triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn và văn hóa học đường năm học 2023-2024.
Một trong những nội dung quan trọng mà Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường thực hiện ngay là thiết lập, công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, kịp thời xử lý các thông tin liên quan an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường; tuyên truyền để học sinh biết đến số điện thoại đường dây nóng 024.32233111 của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội hoạt động 24/7 với mục đích tiếp nhận thông tin về các trường hợp cần bảo vệ khẩn cấp.
Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Hà Ðông Phạm Thị Lệ Hằng chia sẻ, tai nạn đuối nước của một học sinh lớp 9 tại bể bơi trường học trên địa bàn quận là sự cố đáng tiếc và là bài học trong quản lý, tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động giáo dục. Trong những ngày cuối tháng 8, Phòng đã họp với tất cả hiệu trưởng quán triệt các nội dung chuẩn bị cho năm học mới và nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm an toàn trường học. Từ tháng 9 đến tháng 11 năm nay, các trường học sẽ tổ chức chuyên đề về an toàn trường học.
Công tác tập huấn phòng chống cháy, nổ cũng đang được các trường phối hợp công an để lên phương án thực hành. Mới đây, ngày 31/8, một tình huống giả định tại Trường tiểu học Thái Thịnh, quận Ðống Ða đã được đặt ra với hàng trăm học sinh đang ở trong lớp học: tại khu vực gần bể bơi nhà trường xảy ra sự cố cháy, đám cháy kèm theo khói bao trùm gây khó khăn cho lực lượng chữa cháy cơ sở. Buổi diễn tập diễn ra theo đúng kế hoạch. Các em học sinh được hướng dẫn đầy đủ các kỹ năng xử lý tình huống khi có cháy, nổ xảy ra; cách báo cháy, kỹ năng tự thoát nạn trong đám cháy có nhiều khói, khí độc.
Ðại diện Công an quận Ðống Ða cho biết, tại buổi tuyên truyền, cùng với kỹ năng thực hành bám sát tình huống thực tế, các học sinh đã được tìm hiểu những kiến thức cần thiết về công tác phòng cháy, chữa cháy. Công an quận đã phân tích các nguyên nhân gây cháy, sự nguy hiểm cháy, nổ của một số loại chất cháy thường gặp; giới thiệu các biện pháp phòng cháy, quy trình xử lý khi có sự cố xảy ra.
Tại quận Ba Ðình, Ủy ban nhân dân quận đã tổ chức diễn tập điều tra, xử lý tình huống nhiều người mắc ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn trường học được xây dựng trên tình huống giả định một số học sinh Trường tiểu học Thành Công A bị ngộ độc thực phẩm sau bữa trưa. Lực lượng chức năng đã thực hành triển khai các biện pháp kỹ thuật trong các quy trình sơ cứu, thiết lập phòng khám dã chiến phân loại, điều trị bệnh nhân; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm; lấy mẫu, bảo quản mẫu bệnh phẩm, mẫu thức ăn; đưa bệnh nhân bị nặng đến cơ sở y tế điều trị; xử lý vệ sinh và tẩy trùng môi trường trên thực địa nhằm kiểm soát, xử lý hiệu quả vụ ngộ độc thực phẩm... Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Ðình Phạm Thị Diễm cho biết, cuộc diễn tập này không chỉ là cơ hội để mọi người nắm vững quy trình xử lý tình huống ngộ độc thực phẩm, mà còn là dịp để cải thiện khả năng phản ứng và tương tác giữa các cơ quan liên quan trong việc xử lý vụ việc nếu có, trước thực tế quận này có tới gần 50 nghìn học sinh, sinh viên đang học tập, sinh sống trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang vào mùa mưa bão, úng ngập, do vậy Sở Giáo dục và Ðào tạo yêu cầu các trường học triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học; rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, hệ thống điện, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước... bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên; lưu ý các giải pháp bảo đảm an toàn trong việc đưa đón học sinh. Cùng với đó, nhà trường cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết, tổ chức tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; bảo đảm các điều kiện nhà vệ sinh trường học...