Bảo đảm an toàn cho đợt tiêm chủng mang tính lịch sử

Một tuần nay, bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch đang được thực hiện một cách quyết liệt, triệt để, việc phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine (vắc-xin) phòng Covid-19 mang tính lịch sử chính là cách để phòng Covid-19 lâu dài mà thành phố đang tập trung dồn sức thực hiện.

Người dân quận Phú Nhuận tiêm vắc-xin tại điểm Trường tiểu học Đông Ba, phường 7.
Người dân quận Phú Nhuận tiêm vắc-xin tại điểm Trường tiểu học Đông Ba, phường 7.

Gần 500 công nhân Công ty FPT Software tại khu công nghệ cao đã mở đầu cho chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay. Anh Phạm Ðăng Khôi, một trong những người được tiêm vắc-xin trong đợt này cho biết: Khi nhận được tin từ công ty là mình sẽ được tiêm vắc-xin, anh cảm thấy rất vui vì đây là cách để phòng Covid-19 tốt nhất, giúp anh an tâm công tác. Riêng anh Trần Văn Dũng thì có chút lo lắng. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, lợi ích của việc tiêm vắc-xin, anh Dũng đã lấy lại sự tự tin.

"Tôi đã yên tâm hơn khi biết rõ nguồn gốc của vắc-xin và hy vọng rằng người dân thành phố cũng sẽ được sớm tiêm vắc-xin để có thể miễn dịch trong cộng đồng", anh Trần Văn Dũng chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết: Thành phố đã bước vào tuần thứ 3 của giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chính quyền thành phố đang quyết tâm kiểm soát, khống chế dịch bệnh bằng nhiều biện pháp quyết liệt và cũng nhận được sự đồng thuận của người dân thành phố.

Ðợt dịch thứ tư này thật sự phức tạp hơn các đợt dịch trước; cho nên, việc nhận 836 nghìn liều vắc-xin (trong đó có 50 nghìn liều cho lực lượng công an và quân đội) trong thời điểm hiện nay thật sự rất đáng quý. Ðiều đó cho thấy, sự quan tâm rất lớn của Ban Chỉ đạo quốc gia dành cho TP Hồ Chí Minh.

Căn cứ theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ quy định về nhóm đối tượng ưu tiên và dựa trên số lượng vắc-xin được phân bổ đợt này, thành phố đã tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng theo đúng đối tượng. Tuy nhiên, căn cứ tình hình dịch bệnh, thành phố cũng ưu tiên tiêm chủng cho công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn nhằm bảo đảm duy trì chuỗi sản xuất, để vừa thực hiện chống dịch vừa thực hiện "mục tiêu kép" theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Trên tinh thần đó, căn cứ quy định về nhóm đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ và trên cơ sở số lượng vắc-xin được phân bổ đợt 4, cũng như đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại thành phố, TP Hồ Chí Minh tổ chức tiêm vắc-xin cho các nhóm đối tượng gồm: Lực lượng tuyến đầu chống dịch (người làm việc tại cơ sở y tế, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp).

Số lượng vắc-xin còn lại sẽ dành tiêm cho lực lượng quân đội; lực lượng công an; hải quan; người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; người cung cấp dịch vụ điện, nước, ngân hàng, vệ sinh môi trường, viễn thông, xăng dầu, hàng hóa; giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người yếu thế…

Ngoài ra, các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ theo yêu cầu phòng, chống dịch như công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm… cũng được tiêm trong đợt này.

Ðể triển khai tiêm 836 nghìn liều vắc-xin trong vòng năm ngày, ngành y tế thành phố huy động hơn 5.000 nhân viên y tế từ hàng trăm đơn vị y tế công lập, tư nhân và của lực lượng quân đội, công an đóng trên địa bàn thành phố, cùng với khoảng 4.000 sinh viên, thanh niên tình nguyện đã được tập huấn đầy đủ.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Từ lực lượng nêu trên, thành phố tổ chức 946 điểm tiêm chính thức bao gồm: điểm tiêm tại trung tâm y tế, trạm y tế và các điểm tiêm lưu động; mỗi điểm tiêm dự kiến tiêm cho 200 người/ngày, tổng cộng tiêm cho 189.200 người/ngày.

"Mỗi đội tiêm gồm một bác sĩ thực hiện khám sàng lọc, hai nhân sự thực hiện tiêm vắc-xin, một bác sĩ và một điều dưỡng phụ trách theo dõi, xử trí các phản ứng sau tiêm.

Tổ công tác hành chính gồm ba nhân sự, Tổ an ninh trật tự gồm bảy nhân sự. Bên cạnh đó, 59 bệnh viện công lập dự phòng một đội tiêm/đơn vị dự phòng để tăng cường hỗ trợ tiêm cho các địa điểm tiêm có thể bị quá tải" - ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm.

Vừa hoàn thành mũi tiêm đầu tiên, ông Tô Ngọc Tú, 53 tuổi, ngụ phường 1, quận Phú Nhuận cho hay, ông cảm thấy tự tin hơn khi được tiêm phòng Covid-19. Là thành viên trong Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng, ông Phú thường xuyên tiếp xúc với mọi người. Ông chia sẻ, thật tình, dù luôn thực hiện thông điệp 5K nhưng ông vẫn cảm giác có chút chưa an tâm lắm khi chưa được tiêm vắc-xin.

"Giờ đây, được các cấp quan tâm cho tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lần này, tôi và người dân rất phấn khởi, cảm thấy an tâm hơn và sẽ góp sức nhiều hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch sắp tới", ông Tô Ngọc Tú bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Ðức cho biết: Thành phố đã thành lập Tổ chuyên trách về công tác tiêm vắc-xin và các đoàn kiểm tra đã đi kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác chuẩn bị tại các điểm tiêm. Việc bảo đảm an toàn trong quá trình tiêm là quan trọng nhất. Phó Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi và đề nghị các cơ quan báo chí có các tuyến tin, bài tuyên truyền sâu rộng để mọi người cùng chia sẻ và tự giác thực hiện nghiêm các yêu cầu của phành phố.

Hiện nay, nguồn cung rất ít và đã xuất hiện vắc-xin giả trên thị trường. Vì vậy, bên cạnh nguồn cung từ Chính phủ, thành phố đã chủ động tiếp xúc trực tiếp với các nhà sản xuất, dự kiến thành phố sẽ có thêm khoảng 5 - 10 triệu liều vắc-xin trong năm nay, phấn đấu đến cuối năm 2021, có hai phần ba số người dân thành phố được tiêm phòng Covid-19.

Bài và ảnh: LINH NGUYỄN