Bắc Kạn đưa sản phẩm OCOP vùng cao tới vùng biển

NDO - Ngày 24/11, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa thông tin, trong tháng 12 tới, Bắc Kạn sẽ tổ chức tuần lễ miến dong và các sản phẩm OCOP, sản phẩm bản địa tại Hải Phòng. Đây là một trong chuỗi các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc sản đã được Bắc Kạn triển khai dày đặc từ đầu năm tới nay.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách quốc tế tìm hiểu, mua sản phẩm từ củ nghệ Bắc Kạn. (Ảnh: Hà Thanh)
Du khách quốc tế tìm hiểu, mua sản phẩm từ củ nghệ Bắc Kạn. (Ảnh: Hà Thanh)

Theo kế hoạch, Bắc Kạn sẽ tổ chức 24 gian hàng, trong đó có 2 gian hàng mời Hải Phòng tại khuôn viên siêu thị Co.opmart Hải Phòng từ ngày 02 tới ngày 05/12. Sản phẩm vùng cao được Bắc Kạn “chào hàng” tới khách hàng vùng biển dịp này, gồm: miến dong, gạo nếp Khẩu nua Lếch Ngân Sơn, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, thịt lợn chế biến, bún khô, phở khô, dược liệu, chè, trà mướp đắng rừng, trà bí xanh thơm, sản phẩm từ nghệ (curcumin nghệ, tinh bột nghệ), hồng không hạt, cam, quýt...

Trong đó, sản phẩm miến dong là điểm nhấn về chất lượng và thương hiệu. Hiện miến dong Bắc Kạn đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Do làm từ 100% bột củ dong trồng trên ruộng, núi nên miến dong Bắc Kạn có hàm lượng Vitamin B1 cao, đặc biệt có độ ngon, dai, dẻo, không bị nát khi nấu, kể cả để qua đem.

Bắc Kạn hiện có tới 9 sản phẩm miến dong đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên, trong đó sản phẩm Miến dong Tài Hoan được công nhận là sản phẩm OCOP quốc gia. Các sản phẩm này tiêu thụ nhiều qua hệ thống các siêu thị trên cả nước và đang được xuất khẩu sang châu Âu.

Bắc Kạn đưa sản phẩm OCOP vùng cao tới vùng biển ảnh 1

Hoạt động sản xuất tại Hợp tác xã miến dong Tài Hoan. (Ảnh: Thu Cúc)

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, đến nay, tỉnh đã có 156 sản phẩm OCOP, gồm: 144 sản phẩm 3 sao, 11 sản phẩm 4 sao, 01 sản phẩm 5 sao. Tỉnh có 3 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là miến dong, quýt, hồng không hạt; 03 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể là gạo Bao thai Chợ Đồn, gạo nếp Khẩu nua Lếch Ngân Sơn, chè Shan tuyết Bằng Phúc.

Bên cạnh là một trong những tỉnh hàng đầu cả nước về số lượng sản phẩm, thời gian qua Bắc Kạn đã nỗ lực quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm cho nông dân. Trong năm 2022, Bắc Kạn đã tổ chức Ngày hội nông sản - OCOP với 50 gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm.

Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn có 25 doanh nghiệp, nhà phân phối các tỉnh tham dự, đã có 08 biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm được ký kết và 04 đơn vị trong tỉnh kết nối với 13 doanh nghiệp, nhà phân phối ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Các đơn vị ký kết tiêu thụ khoảng 2.000 tấn bí xanh thơm. Tại Tuần du lịch - di sản văn hóa Ba Bể mỗi huyện, thành phố tổ chức 02 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP với 1.000 khách tham quan, mua hàng.

Bắc Kạn đã tổ chức đoàn tham gia 10 hội chợ, sự kiện trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP trong nước tại các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, Sơn La, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang. Duy trì trang thông tin giao dịch điện tử ngành Công thương để hỗ trợ tích cực công tác quảng bá, giới thiệu kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP; đưa 104 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn.

Đồng thời phối hợp với Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp Wincomerce đưa tin trên 38 trang báo điện tử về hoạt động hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản tỉnh Bắc Kạn, nhất là tiêu thụ bí xanh thơm với dự kiến sản lượng tiêu thụ trung bình từ 20-30 tấn/tháng tại hệ thống WinMart/WinMart+.

Trong năm 2022, Bắc Kạn đã gửi sản phẩm tiêu biểu tham gia Hội chợ quốc tế “ECO-GREEN VIETNAM EXPO” tại Athens, Hy Lạp. Đến nay, Bắc Kạn đã có các sản phẩm chế biến từ gỗ, mơ quả, miến dong, rượu men lá xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ quảng bá, giới thiệu và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm miến dong, các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm nông sản đặc trưng, có thế mạnh. Từ đó hình thành các liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nhà phân phối góp phần nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm, làm giàu cho nông dân.