Xử lý nghiêm nhà thầu thi công ẩu

Thời gian qua, một số dự án thi công các công trình hạ tầng trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện tình trạng nhà thầu thi công ẩu, thiếu các biện pháp bảo vệ, gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và an toàn giao thông. Điều đáng nói là các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử lý, tuy nhiên tình trạng này vẫn tái diễn, đòi hỏi phải có những biện pháp quyết liệt, xử phạt nghiêm khắc hơn.
 

Tình trạng mất vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông tại khu vực thi công hầm chui Lê Văn Lương.Ảnh: THẾ HÀ
Tình trạng mất vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông tại khu vực thi công hầm chui Lê Văn Lương.Ảnh: THẾ HÀ

Bụi bẩn ô nhiễm, mất an toàn

Những ngày này, đoạn đê tả Hồng, từ chân cầu Vĩnh Tuy đến Bát Tràng luôn trong tình trạng bụi mù mịt vì đất cát rơi vãi khắp nơi. Tình trạng này đã kéo dài mấy tháng nay khi xe chở đất, phế thải từ công trường xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đến nơi tập kết, khiến trời nắng thì bụi mù, còn trời mưa đường trơn trượt, rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông qua đây.

Tình trạng xe vận chuyển nguyên vật liệu để rơi vãi ra đường, gây mất vệ sinh môi trường, gia tăng ô nhiễm khói bụi và ảnh hưởng đến an toàn giao thông diễn ra tại nhiều công trường giao thông trên địa bàn Thủ đô. Như tại công trường thi công hầm chui Lê Văn Lương, công tác thi công không được bảo đảm, rào chắn xô lệch, tôn, thép chìa ra cản trở giao thông; bùn đất, bụi bặm phủ khắp nơi, mặt đường nứt tại khu vực thi công dự án. Việc nhà thầu thiếu ý thức, thi công cẩu thả, gây mất vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân trên tuyến Tố Hữu - Lê Văn Lương và dù đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại tái diễn vi phạm.

Không chỉ ở khu vực nội đô, việc triển khai các dự án giao thông ngoại thành cũng bộc lộ nhiều bất cập, gây ra những hệ lụy và bức xúc cho người dân. Tại công trường nhiều dự án tỉnh lộ, nhà thầu thi công cẩu thả, ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của người dân, trong khi chủ đầu tư và các đơn vị giám sát lại lơ là. Thí dụ, như Dự án Cầu đập tràn, xã Quan Sơn, huyện Mỹ Ðức có tổng mức đầu tư tới hơn 288 tỷ đồng, nhưng không làm đường tránh, chỉ còn một chiều lưu thông, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng.

Một công trình khác tương tự là Dự án cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 412, đoạn qua thị trấn Tây Ðằng đi hồ Suối Hai, huyện Ba Vì do Ban quản lý dự án huyện làm đại diện chủ đầu tư, Công ty cổ phần Quảng Tây nhận thầu thi công. Ngay sát tường rào UBND thị trấn Tây Ðằng, một "dãy núi" đá dăm cao hàng chục mét, lấp kín đến ngọn hàng cột điện ven đường. Nhiều đoạn còn có cả đất lẫn gạch vụn, rác rưởi chất đống tại các vị trí san nền đường. Hàng rào mỏng manh chỉ có tác dụng cảnh báo, ngăn cách sơ sài núi vật liệu với người tham gia giao thông bên dưới, khó có thể bảo đảm an toàn.

Cần xử lý "mạnh tay" hơn

Theo số liệu do Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ ngày 1/1 đến 20/5/2021, lực lượng đã xử lý 112 trường hợp, phạt tiền hơn 610 triệu đồng, với các lỗi vi phạm: Ðào hè phố trái phép, không phép; thi công không đúng giấy phép; không hoàn trả nguyên trạng hè, đường sau thi công; để phương tiện, tập kết vật liệu bên ngoài phạm vi công trình… Vi phạm diễn ra ở nhiều nơi, trên địa bàn các quận: Ba Ðình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ðống Ða cho đến các khu vực giáp ranh ngoại thành như Hà Ðông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên…

Trong đó, phổ biến nhất là vi phạm của các đơn vị điện lực, cấp, thoát nước và viễn thông, trong quá trình thi công cố tình làm sai giấy phép, thậm chí là không phép. Nhiều đơn vị hoàn thiện hạng mục của mình xong thì phó mặc đường, hè nham nhở, lồi lõm, gây mất trật tự, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và bức xúc cho người dân. Lãnh đạo Công ty cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội cho biết, không ít chủ đầu tư là đơn vị lớn, nhưng lại chưa có tinh thần trách nhiệm giữ gìn hạ tầng giao thông của thành phố.

Thực tế nêu trên cho thấy nhiều vấn đề trong cấp phép và giám sát thi công các công trình trên vỉa hè, lòng đường. Lãnh đạo Công ty cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội cho biết: "Bức xúc lớn nhất chính là tình trạng nhà thầu phụ thiếu chuyên nghiệp, thiếu ý thức, thi công cẩu thả trong khi nhà thầu chính và chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm của mình".

ẠI diện Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đã kiến nghị sở giao các phòng, ban chức năng thường xuyên phối hợp với đơn vị trong công tác giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ xử phạt vi phạm tại chỗ sẽ không đủ sức răn đe. Sở Giao thông vận tải Hà Nội cần có biện pháp rõ ràng, quyết liệt hơn, tham mưu cho thành phố và các quận, huyện "cấm cửa" đối với các nhà thầu thiếu ý thức, thường xuyên vi phạm trong quá trình thi công đào hè, đường, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hưởng đến đời sống người dân.