Vĩnh Phúc đang tiến những bước vững chắc trên con đường xây dựng xã hội số. Nhiệm vụ xây dựng xã hội số của địa phương này có nhiều thuận lợi vì có nguồn lực tài chính, các lĩnh vực công nghiệp, giáo dục đều phát triển.
Những bước tiến vững chắc
Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh họp thường xuyên, liên tục đưa ra định hướng cho các cấp, các ngành. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường định hình các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số. Hằng năm, nhiệm vụ chuyển đổi số được giao thành chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh có 35 cơ quan, địa phương thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, 34 đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch chuyển đổi số hằng năm.
Vĩnh Phúc cùng với Công ty cổ phần FPT đang triển khai dự án đầu tư hạ tầng nền tảng số. Tỉnh cũng thí điểm chuyển đổi số toàn diện tại một số xã, thị trấn; thành lập 136 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 1.239 tổ công nghệ cộng đồng thôn, tổ dân phố. Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã khai trương nền tảng xã hội số Vinhphuc ID, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế triển khai các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhiều mục tiêu về xây dựng xã hội số của Vĩnh Phúc đạt và vượt kế hoạch được giao như: 88,5% số dân có điện thoại thông minh; 87% số hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 49,87%; 100% số doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 60% số người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; 95% số người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử …
Nhiều ngành, lĩnh vực coi chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức và công dân. Toàn bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Sở Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa điện tử.
Tất cả các cơ sở giáo dục sử dụng các nền tảng số để thông tin, liên lạc với các bậc cha mẹ học sinh về tình hình học tập của con mình. Các cơ sở giáo dục phổ thông đều tổ chức thi trắc nghiệm trên các nền tảng số, trang bị máy tính và đường truyền internet phục vụ cho học tập.
Hơn 2,7 triệu trang tài liệu hồ sơ địa chính qua các thời kỳ tại Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh được số hóa. Với 95,39% số hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận trực tuyến và giải quyết kịp thời, các nhà đầu tư nước ngoài rất hài lòng với sự phục vụ tận tâm, nhanh chóng của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.
Năm 2021, Vĩnh Phúc vươn lên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố về xếp hạng đánh giá chuyển đổi số, tăng 43 bậc so với năm 2020.
Tính toán hiệu quả - chi phí đầu tư
Theo ông Chu Ngọc Anh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc, mặc dù là tỉnh phát triển khá, có đủ nguồn lực để đầu tư cho xã hội số, song Vĩnh Phúc triển khai cách tiếp cận với chuyển đổi số, trong đó có xây dựng xã hội số, theo hướng căn cơ, chú trọng hiệu quả đầu tư vì "tuổi thọ" công nghệ ngắn, thiết bị hạ tầng viễn thông chóng lạc hậu.
Có nhiều việc dễ dàng ứng dụng các phần mềm để rút ngắn thời gian giải quyết, song phần mềm cũng phải chạy theo thủ tục hành chính. Hiện nay, nhiều thủ tục hành chính, quy định pháp luật còn chồng chéo, khó triển khai, khó liên thông các cấp, dẫn đến chậm trễ trong quá trình giải quyết. Nhiều doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ chưa mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi số, tạo kết quả đột phá trong sản xuất, kinh doanh.
Khách quan mà nói, sự không chắc chắn và thay đổi nhanh của công nghệ kỹ thuật điện tử-viễn thông dẫn đến khó triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực điện tử-viễn thông. Nếu tính toán không kỹ, dự án đầu tư hạ tầng viễn thông có thể nhanh chóng lỗi thời, trở thành đống sắt vụn, đầu tư thật nhưng kết quả ảo. Ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Không phải cứ có tiền là làm được mà phải tính hiệu quả - chi phí khi đầu tư các dự án điện tử-viễn thông, trong nhiều trường hợp thì thuê hạ tầng sẽ rẻ hơn là đầu tư làm mới.
Với cách tiếp cận chắc chắn, lấy hiệu quả làm đầu, Vĩnh Phúc đang tiến gần đến mục tiêu xây dựng xã hội số để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.