Xây dựng sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh

Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố và trao quyết định công nhận 39 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), nâng tổng số sản phẩm OCOP của địa phương lên hơn 60 sản phẩm. Ðây là tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 124 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua sắm sản phẩm OCOP tại Lễ công bố và trao quyết định công nhận 39 sản phẩm OCOP của Thành phố Hồ Chí Minh.
Người dân mua sắm sản phẩm OCOP tại Lễ công bố và trao quyết định công nhận 39 sản phẩm OCOP của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong 39 sản phẩm OCOP vừa được công bố, có 15 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 24 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Ðáng chú ý, trong lần công bố lần này, Công ty cổ phần tập đoàn Xuân Nguyên có 4 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao gồm: Mật ong nhân sâm, Mật ong nghệ viên vàng, Mật ong nghệ viên đen, Tinh bột nghệ vàng.

Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Xuân Nguyên, để đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm của công ty phải trải qua các bước đánh giá bài bản toàn diện từ đầu vào nguyên liệu, khu chế biến sản xuất và đầu ra thành phẩm qua nhiều cấp đánh giá khác nhau. Riêng sản phẩm OCOP hạng từ 4 sao trở lên phải có những chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO... "Công ty cổ phần tập đoàn Xuân Nguyên không ngừng đầu tư về cơ sở vật chất, con người, vùng nguyên liệu… để cho ra những sản phẩm chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và chung tay xây dựng nền kinh tế nông nghiệp nông thôn thịnh vượng", ông Xuân Vũ nhấn mạnh.

Chương trình OCOP được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2019, đến nay đã có 66 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt 3 sao, 4 sao và có một sản phẩm đang đề xuất đánh giá sản phẩm 5 sao. Với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố theo hướng đặc sản vùng miền, sản phẩm mang tính sáng tạo của địa phương, ngay từ đầu, thành phố đã có những chủ trương, những hướng dẫn để các chủ thể OCOP có thể tận dụng được những lợi thế của địa phương, nâng cao các đặc trưng và giá trị của sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mang tính độc đáo, riêng biệt.

Ðây là tiền đề quan trọng để các hợp tác xã, doanh nghiệp… phát triển sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng, sáng tạo. Tận dụng vùng nguyên liệu sẵn có chưa khai thác tại huyện Cần Giờ, Công ty TNHH phát triển dừa nước Việt Nam (VietNipa) đã nghiên cứu, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng đặc trưng từ cây dừa nước và đã đưa vào thương mại trên thị trường. Qua đó, sản phẩm đặc trưng từ cây dừa nước dần khẳng định được thương hiệu, giá trị của các sản phẩm và ngày càng chiếm lòng tin của người tiêu dùng trong cả nước.

Ông Phan Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dừa nước Việt Nam chia sẻ: Năm 2021, nhờ cột mốc đạt chứng nhận OCOP 4 sao, sản phẩm của VietNipa đã được đưa vào hệ thống các siêu thị lớn. Ðến nay, sản phẩm đã có 400 điểm bán trên toàn quốc, đã có đơn hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ… Nhờ đó, cây dừa nước ở huyện Cần Giờ được nâng giá trị, người nông dân có thu nhập ổn định từ bán mật dừa nước.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định phê duyệt Ðề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Mục tiêu được đưa ra đến năm 2025 phấn đấu có ít nhất 124 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; đến năm 2025, 100% số xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đều có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Cùng với đó, thử nghiệm, phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế số gắn với thị trường xuất khẩu, gắn với lợi thế đặc hữu về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của từng khu vực.

Ðến nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được mở rộng hơn về phạm vi. Sự mở rộng này nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất được tham gia đánh giá OCOP, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế biến có thế mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung nhiều ở các huyện: Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và thành phố Thủ Ðức.

Theo ông Ðinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, triển khai Chương trình OCOP có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội. Khi triển khai thành công, chương trình sẽ giúp nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất" trong xây dựng nông thôn mới. Ðể phát triển và khuyến khích các chủ thể tham gia nhiều hơn vào chương trình, thành phố cũng đã có nhiều hoạt động biểu dương, tôn vinh, quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đã được công nhận. Cụ thể, thành phố tổ chức hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, chợ phiên nông sản cuối tuần cho sản phẩm OCOP…■