Xây dựng hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại

Thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang, phát triển đô thị, diện mạo Hà Nội ngày càng khang trang, đáp ứng yêu cầu phát triển xanh, thông minh, hiện đại, xứng tầm vị thế Thủ đô.

Sau nhiều năm vướng mắc về giải phóng mặt bằng, sáng 5/10, tuyến đường rộng 40m nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến hết khu tái định cư Ngọc Thụy, quận Long Biên, một dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật trọng điểm của thành phố, được khánh thành trong niềm vui của đông đảo người dân. Anh Nguyễn Văn Long, người dân phường Ngọc Thụy cho biết, tuyến đường dài hơn 1.500m, nhưng thi công gặp rất nhiều khó khăn vì đi ngang đường Nguyễn Văn Cừ, tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội-Lạng Sơn và khu vực dân cư.

Tuyến đường là đoạn cuối cùng trong hệ thống đường liên khu vực, vành đai trung tâm của quận Long Biên, mở ra hướng phát triển cho quận. Theo đại diện Ủy ban nhân dân quận Long Biên, tuyến đường được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm, nổi theo quy hoạch, khớp nối nút giao thông Nguyễn Văn Cừ và nút giao thông ngã năm phường Ngọc Thụy. Tuyến đường hoàn thành góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường giao thông, hệ thống hạ tầng đô thị của quận Long Biên, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giúp thay đổi bộ mặt đô thị, môi trường sống cho người dân.

Trước đó, Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thông xe dự án mở rộng đường đê Âu Cơ-Nghi Tàm, đoạn từ lối vào khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân dài 3,7 km, thuộc dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương-Thanh Niên giai đoạn hai, dự án tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa khu vực trung tâm với phía tây bắc thành phố, sân bay Nội Bài, nâng cao năng lực phòng chống lũ của tuyến đê hữu Hồng.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều công trình hạ tầng đô thị “về đích” trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Trong vòng vài năm gần đây, nhiều dự án khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại, không chỉ góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở, sinh hoạt của người dân, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tạo nên những không gian sống tốt hơn, mang lại không gian phát triển đô thị mở rộng và hiện đại hơn.

Thành phố tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cây xanh, mặt nước; cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa và đầu tư xây dựng mới chín công viên có quy mô lớn, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Thành phố triển khai nhiều dự án nước sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của tất cả dân cư đô thị và mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Hệ thống hạ tầng thoát nước được cải tạo, đầu tư, góp phần hạn chế úng ngập cục bộ kéo dài và đáp ứng tưới tiêu phát triển nông nghiệp...

Cùng với việc đồng bộ hóa hạ tầng đô thị trong khu vực nội đô, thành phố đang tập trung đầu tư, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng, phát triển các huyện: Ðông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Ðức, Ðan Phượng thành quận; tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía bắc với một số dự án, như Thành phố thông minh Bắc Hà Nội, Công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, kêu gọi đầu tư phát triển khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài... và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để xây dựng Thủ đô trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Dương Ðức Tuấn, thành phố rất quan tâm phát triển hạ tầng đô thị thông minh và bền vững. Hiện nay, thành phố đang tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Thủ đô năm 2024, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng các quy định, cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh và phát triển bền vững.