Trọn đời nghiệp cầm ca

Nhắc tới soạn giả, Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu, giới mộ điệu cải lương vẫn gọi ông bằng nhiều danh xưng thân thương như "ông Bảy Bá", "Ông vua vọng cổ", "Danh cầm"… Không chỉ ở gia tài tác phẩm đồ sộ để lại, mà những vở tuồng, nhất là những bài vọng cổ do ông sáng tác, vẫn thấm sâu và sống mãi trong đời sống tinh thần của người hâm mộ qua bao thế hệ.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ sĩ biểu diễn trong đêm nghệ thuật tri ân soạn giả Viễn Châu.
Các nghệ sĩ biểu diễn trong đêm nghệ thuật tri ân soạn giả Viễn Châu.

Soạn giả, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Viễn Châu (1924-2016) tên thật là Huỳnh Trí Bá, gọi theo cách gọi thân thương của người miền nam là ông Bảy Bá. Ông sinh ngày 21/10/1924 trong gia đình có cha là hương chức tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Mặc dù gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhưng nhờ năng khiếu cùng niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn đờn ca tài tử, ông đã theo thầy học đờn vọng cổ từ sớm và đến năm 19 tuổi đã là một nghệ sĩ được nhiều người biết đến với cây đàn tranh điêu luyện trên sân khấu cải lương. Những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ 20, ông rời quê hương Đôn Châu lên Sài Gòn, tham gia hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.

Từ đó cho đến ngày qua đời, ông đã có những đóng góp lớn lao cho sự cải tiến và phát triển của sân khấu cải lương Nam Bộ nói chung, bài ca vọng cổ nói riêng. Cùng các nhạc sĩ Năm Cơ (đờn sến), Văn Vỹ (đờn ghi-ta phím lõm) và Bảy Bá - một nghệ danh của ông (đờn tranh), là những nhân vật chính đưa bài vọng cổ từ nhịp 2, nhịp 4, nhịp 8, nhịp 32, rồi nhịp 64 ngày càng thuần thục, trở thành sản phẩm văn hóa độc đáo và là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều thế hệ người dân Nam Bộ nửa sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.

Soạn giả, NSND Viễn Châu sớm tham gia cách mạng khi thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương và xâm lược nước ta vào cuối năm 1945. Sau khi rời quê hương Trà Vinh lên Sài Gòn, ông bí mật tham gia hoạt động tại Ban công tác thành. Ít lâu sau, ông bị giặc bắt trong lúc đang cùng một nhóm rải truyền đơn cách mạng và chịu tù đày ở trại giam Cẩm Giang, tỉnh Tây Ninh (năm 1947). Hai năm sau, ông được trả tự do.

Ông bắt đầu bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp khi viết vở cải lương "Nát cánh hoa rừng" với nghệ danh Viễn Châu, phóng tác từ truyện "Đường rừng" của Khái Hưng năm 1950. Từ đây, tên tuổi soạn giả Viễn Châu luôn xuất hiện trong những đêm diễn với các vở nổi tiếng như "Chuyện tình Hàn Mạc Tử", "Chuyện tình Lan và Điệp", "Hoa Mộc lan"; "Sau bức màn thương", "Quân vương và thiếp"... với hơn 50 vở cải lương đã được trình diễn trong hàng chục năm qua.

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, soạn giả Viễn Châu có những đóng góp rất quan trọng trong chặng đường phát triển của nghệ thuật sân khấu cải lương, tinh hoa văn hóa dân tộc. Những sáng tác của ông không chỉ đẹp trên phương diện nghệ thuật ca từ, mà còn chứa đựng những giá trị hiện thực, phản ánh sinh động đời sống, tâm lý xã hội Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử.

Qua những tác phẩm mang tính văn học cao, ông đã giúp công chúng thêm hiểu, yêu mến nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương, góp phần to lớn vào việc nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy di sản quý báu của dân tộc. Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, giới chuyên môn ghi nhận soạn giả Viễn Châu có đóng góp quan trọng cho tiến trình phát triển bản vọng cổ, ông là một trong những người khởi xướng và thành công với thể loại "Tân cổ giao duyên".

Với thể loại tân cổ giao duyên, một loại hình nhạc mới kết hợp với nhạc cổ là một sắc thái mới lạ mà ông đã mất gần 10 năm để khẳng định những giá trị của sự sáng tạo và chinh phục được cả giới chuyên môn lẫn khán giả, giúp các nghệ sĩ có đất sáng tạo trong làn hơi, giọng ca.

Trong đêm nghệ thuật "Viễn Châu, trọn đời nghiệp cầm ca" do Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, NSND Lệ Thủy chia sẻ, bà là nghệ sĩ đầu tiên thể hiện bài "Chàng là ai", bài tân cổ giao duyên đầu tay của soạn giả Viễn Châu.

"Lúc đó tôi chưa tròn 15 tuổi, lại được chú Bảy Bá giao ca bài tân cổ giao duyên cho nên cũng lo lắm, vì tôi cũng chưa biết loại hình nhạc mới này là như thế nào. Nhưng sau khi được chú Bảy giải thích và động viên, tôi đã an tâm hơn khi thể hiện bài "Chàng là ai". Không ngờ, bài tân cổ giao duyên này lại được nhiều người yêu thích cho đến ngày nay", NSND Lệ Thủy nhớ lại.

Những sáng tác tân cổ của ông đã đáp ứng được cả hai nhu cầu về thưởng thức tân nhạc và cổ nhạc trong cùng một bài tân cổ giao duyên. Ông đã làm cho công chúng mê nhạc khó tính phải thừa nhận sự "giao duyên" sáng tạo nghệ thuật của bản tân cổ bằng minh chứng từ những sáng tác bất hủ của mình.

Có thể nói, bài ca vọng cổ là lĩnh vực mà ông tâm huyết nhất và cũng mang lại cho ông nhiều thành công nhất. Với sự am hiểu tường tận thế mạnh của từng nghệ sĩ, theo kiểu "đo ni đóng giày", ông đã sáng tác những bài vọng cổ phù hợp, để các nghệ sĩ phát huy tốt nhất sở trường, chất giọng độc đáo, góp phần tạo nên tên tuổi nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Tấn Tài, Thành Được, Minh Cảnh, Minh Phụng, Ngọc Giàu, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu... và cả những nghệ sĩ hài như Văn Hường, Hề Sa, Giang Châu...

Qua các bài vọng cổ được công bố, có thể thấy những tác phẩm vọng cổ của soạn giả, NSND Viễn Châu mang lại giá trị tinh thần không nhỏ cho công chúng, xã hội với nhiều thể tài, đề tài gắn liền với đời sống, tình cảm của người dân Nam Bộ.

Với một tâm hồn phóng khoáng, hào sảng, hầu hết những tác phẩm của ông đều mang cốt truyện về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín ở đời, những điển tích về lòng hiếu thảo, sự thủy chung… Không chỉ thế, ông còn hướng ngòi bút của mình đến chữ tình, nhưng ở đó, không chỉ có tình yêu đôi lứa biển hẹn non thề, mà còn là cái tình đối với quê hương trên mọi miền đất nước.

Với những gì để lại cho đời, soạn giả Viễn Châu là nghệ sĩ cổ nhạc hiếm có. Những đóng góp của ông đã giúp công chúng thêm hiểu, yêu mến và đam mê vọng cổ, nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương, qua đó, góp phần dưỡng nuôi kho tàng nghệ thuật giá trị và giữ gìn tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc tiếp tục ăn sâu, bám rễ vào đời sống nhân dân.