Lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn) năm nay diễn ra từ mồng 6 đến 8 tháng Giêng, trong sự hồi hộp của không ít người. Lễ hội có một nghi thức quan trọng là phát lộc giò hoa tre (tượng trưng cho cây tre Thánh Gióng đánh giặc) và trầu, cau dâng thánh.
Những năm trước, đã từng diễn ra cảnh lộn xộn khi phát lộc. Nhưng đây là một phần quan trọng của lễ hội, được ghi trong hồ sơ trình UNESCO đề nghị ghi danh Hội Gióng là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, do đó, ban tổ chức không thể tự tiện “cắt xén” nghi thức này.
Để khắc phục tình trạng lộn xộn khi phát lộc, ngành văn hóa Hà Nội, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức đúng về nghi thức phát lộc, đồng thời triển khai các biện pháp bảo vệ, thay đổi hình thức phát lộc. Thay vì phát lộc tại một địa điểm, giò hoa tre được chia về đền Hạ, đền Mẫu để phát cho người có nhu cầu.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, sau hai năm tạm dừng do dịch Covid-19, huyện phải lên kế hoạch ứng phó với việc tăng “đột biến” lượng người tham gia lễ hội, huy động nhiều lực lượng làm công tác an ninh; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống để phân tán lượng người tham gia lễ hội. Năm nay cũng là lần đầu tiên lễ hội đền Sóc tổ chức trình diễn Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại nghi lễ và trò chơi kéo mỏ trong lễ hội đền Vua Bà (thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn).
Tham dự lễ hội, anh Đào Hữu Hồng (xã Xuân Canh, huyện Đông Anh) cho biết: “Năm nay tôi đi dự hội đền Sóc vì mọi người nói rằng ngôi đền rất linh thiêng. Dù rất đông người nhưng tôi thấy các hoạt động đều diễn ra trong trật tự”.
Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội thu hút sự chú ý của cộng đồng. Năm nay, lễ hội có nhiều nét mới như: Chuyển đổi hình thức bán vé tham quan sang mô hình vé điện tử với hệ thống kiểm soát vé qua mã vạch QR-Code; nâng cấp hệ thống bến bãi đậu xe, xây dựng phương án điều tiết giao thông hợp lý, nhằm giảm thiểu nguy cơ ùn tắc, bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trảy hội; tổ chức đưa, đón khách bằng xe điện...
Ban tổ chức cũng thành lập bảy tiểu ban, tập trung thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, trật tự văn minh nơi thờ tự. Tuy nhiên, sau một tuần kể từ khi khai hội, không ít bất cập vẫn xảy ra. Dù ban tổ chức đã niêm yết công khai giá vận chuyển khách bằng đò, cụ thể, tuyến đò đi Hương Tích có giá 50 nghìn đồng/người/2 lượt, tuyến đò đi Long Vân-Tuyết Sơn có giá 30 nghìn đồng/người/2 lượt, nhưng vẫn xuất hiện tình trạng người chèo đò vòi vĩnh khách.
Bên cạnh đó, việc di chuyển trên suối Yến khá nguy hiểm, từng xảy ra lật đò gây tử vong, nhưng nhiều thuyền chở hàng chục khách mà chỉ có vài chiếc phao cứu sinh; không ít đò chở quá tải. Bên cạnh đó, nạn rải tiền lẻ, thắp hương bừa bãi mới chỉ giảm chứ chưa chấm dứt, nạn chèo kéo khách cũng hết sức phổ biến; thậm chí, nhiều đối tượng còn chèo kéo khách qua mạng xã hội.
Tại khu vực nội thành, phủ Tây Hồ là địa điểm thu hút hàng nghìn lượt người mỗi ngày dịp đầu xuân. Vào những ngày cao điểm, các dịch vụ trông giữ ô-tô, xe máy không phép vẫn “nở rộ” ở khu vực này. Mức giá cho một lượt trông xe máy phổ biến là 20 nghìn đồng; nhiều cửa hàng bán đồ lễ vẫn công khai mời chào đổi tiền lẻ; nhiều gian hàng viết sớ có dịch vụ xem bói...
Mùa lễ hội còn kéo dài đến cuối mùa xuân. Lượng khách tham quan đến các di tích sẽ tăng vào dịp rằm tháng Giêng và các ngày cuối tuần. Đây cũng sẽ là những dịp những vấn nạn mùa lễ hội có nguy cơ diễn biến phức tạp.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, năm nay, Sở tổ chức gần 30 đoàn kiểm tra công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố. Việc kiểm tra tập trung vào công tác bảo vệ và xử lý các hành vi xâm hại hoặc gây nguy cơ ảnh hưởng tới các di tích; kiểm tra việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan; hoạt động kinh doanh, truyền bá văn hóa phẩm không được lưu hành, các đồ chơi mang tính bạo lực, nguy hiểm, cờ bạc trá hình; việc sắp xếp hàng quán, dịch vụ nơi trông giữ phương tiện giao thông; việc thực hiện niêm yết công khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại di tích và lễ hội... Hoạt động này nhằm chủ động ngăn chặn, xử lý những tiêu cực xảy ra, hướng tới một mùa lễ hội an toàn, văn minh.