Ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy xúc tiến thương mại

Hiện nay việc ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại đã trở thành xu thế tất yếu đối với doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất. Điều này thể hiện một cách rõ nét khi hầu hết các đơn vị đã đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử, nhằm quảng bá hình ảnh thương hiệu đến với khách hàng nhanh và thuận tiện.
0:00 / 0:00
0:00
Gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Hà Nam.
Gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Hà Nam.

Thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, tỉnh giao Sở Công thương triển khai các hoạt động kết nối cung-cầu; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng xuất khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng; theo dõi, tham mưu kịp thời các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã để khơi thông sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh Hà Nam giao cho các huyện, thị xã, thành phố phối hợp Sở Công thương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn... chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm thương mại để có cơ hội “phủ sóng” quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tăng cường liên doanh, liên kết, mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Tiến Quảng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Du lịch sinh thái, dệt lụa Nha Xá, chia sẻ: Ứng dụng chuyển đổi số vào việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại không chỉ giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm được các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp tự nhìn nhận lại sản phẩm của mình, nhận ra các mặt còn hạn chế, thiếu sót, từng bước khắc phục, hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiểu rõ được điều đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh đã tích cực hơn trong việc đăng ký tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do các sở, ngành, địa phương tổ chức.

Giai đoạn 2021-2023, có khoảng 650 lượt các doanh nghiệp, cơ sở của Hà Nam tham gia khoảng 70 hội chợ, triển lãm thương mại tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Để tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh, Sở Công thương đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu sản phẩm hàng hóa hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử; xây dựng mô hình liên kết và chuỗi thực phẩm an toàn. Các sản phẩm công nghiệp của tỉnh Hà Nam hiện nay đa dạng về chủng loại, một số nhóm sản phẩm công nghiệp đã tham gia vào chuỗi sản phẩm của các tập đoàn lớn như: linh kiện, phụ tùng ô-tô, xe máy; linh kiện, sản phẩm điện tử...

Hiện nay, Hà Nam đã công nhận 176 làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, làng có nghề tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề này chủ yếu sản xuất các sản phẩm: thủ công mỹ nghệ, dệt may, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến gỗ, hàng sản xuất tre nứa dùng cho xây dựng, cơ khí... Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hà Nam như đông trùng hạ thảo, chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu, ổi Trác Văn..., được đưa lên ứng dụng bán hàng trên sàn thương mại điện tử rất hiệu quả.

Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, Sở Công thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ như: hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền riêng của doanh nghiệp, làm công cụ liên lạc, trao đổi thông tin, giao dịch trực tuyến; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website riêng; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam và các sàn thương mại điện tử lớn trong nước; triển khai thí điểm mô hình chợ 4.0 cho hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh; triển khai đề án “Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho một số sản phẩm của tỉnh Hà Nam”.

Theo kế hoạch đến năm 2025, tỉnh Hà Nam phấn đấu xây dựng, hoàn thành cập nhật cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại, các ngành hàng thương mại và xuất khẩu trọng điểm của tỉnh vào hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Đến năm 2030, hơn 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ và 60% các hộ kinh doanh cá thể tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử; hơn 70% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.