Theo báo cáo vừa được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố, lượng rác thải toàn cầu dự kiến sẽ tăng mạnh vào năm 2050, gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD do các vấn đề liên quan như sự mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Báo cáo chỉ rõ, nếu không có hành động khẩn cấp, đến giữa thế kỷ này, khối lượng rác thải toàn cầu có thể lên đến 3,8 tỷ tấn, vượt xa các mức dự báo trước đó.
UNEP ước tính, khối lượng rác kể trên có thể kéo theo gánh nặng kinh tế lên đến 640 tỷ USD vào năm 2050, tăng 75% so với năm 2020.
Trong số đó, 443 tỷ USD xuất phát từ các yếu tố bên ngoài, bao gồm mất đa dạng sinh học và các loại khí gây biến đổi khí hậu do phân hủy chất thải hữu cơ và tình trạng ô nhiễm - vốn là “thủ phạm” gây ra 400.000 đến 1 triệu ca tử vong mỗi năm.
Cơ quan môi trường của Liên hợp quốc cảnh báo, nhân loại đang “đi lùi” trong “cuộc chiến” chống rác thải suốt thập kỷ qua, khi tạo ra nhiều chất thải hơn, gây ô nhiễm nhiều hơn và phát thải nhiều khí nhà kính hơn.
Cũng theo nghiên cứu của UNEP, các biện pháp hạn chế chất thải và cải thiện quản lý chất thải có thể giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế, tuy nhiên vẫn còn những rào cản đáng kể để tạo ra sự thay đổi, chẳng hạn như cơ chế thực thi yếu kém.
Hiện các bên liên quan đang trong quá trình đàm phán về một thỏa thuận nhằm giải quyết vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa toàn cầu, và vòng đám phán thứ 4 dự kiến diễn ra vào tháng 4/2024.
Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen cho biết, bà hy vọng thỏa thuận này có thể được ký kết vào cuối năm nay, mặc dù còn ý kiến khác nhau giữa các nhà bảo vệ môi trường và nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch liên quan việc thỏa thuận nên tập trung vào hạn chế sản xuất nhựa hay thúc đẩy tái chế và tái sử dụng.
“Có một mối quan tâm chung, đặc biệt là giữa các quốc gia đang sản xuất polymer thô, nhưng như tôi vẫn nói với họ, đây không phải là một hiệp ước chống nhựa” - bà Andersen nói, đồng thời cho rằng nhựa vẫn cần thiết trong sản xuất phương tiện giao thông và thiết bị y tế.
Người đứng đầu UNEP khẳng định, thỏa thuận không phải được thiết kế nhằm tạo cản trở mà là để tìm ra một lộ trình phù hợp phía trước, trong đó thực sự có tính toán đến một thực tế đáng lo ngại về ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay.