Nỗi khổ rác thải nhựa

Tình trạng rác thải nhựa hiện diện trong vườn, trong ngõ vắng, lân cận khu dân cư bùng phát sau Tết. Chuyện của một số người trong bài viết dưới đây đã phàn nàn về nhựa, nó không phải chuyện cá biệt.
0:00 / 0:00
0:00
Nhặt rác nhựa bên gành đá Cửa Đại.
Nhặt rác nhựa bên gành đá Cửa Đại.

Nản lòng vì trái cây nhiều nylon

Rằm tháng Giêng, anh Lê Văn Quân về quê nhà là khu Nam Giang, thị trấn Chuối (Nông Cống, Thanh Hóa) vui xuân. Năm nay, mẹ anh giao nhiệm vụ bày mâm quả bàn thờ. Mẹ anh căn dặn: “Đó là trách nhiệm, là tấm lòng hiếu thảo. Con cần làm cho tròn vai, bày sao cho đẹp mắt để người ngoài nhìn vào, bề trên trông xuống”.

Nhìn những trái lê vẫn bọc bóng xốp, trái bưởi bên ngoài bọc túi cước, bên trong túi cước lại bọc lớp nylon… Anh Quân cho hay: “Tôi cảm thấy khó hiểu khi trái bưởi bọc tới hai lần như vậy”?

Đứng bên cạnh bàn thờ, hai chị dâu sẵn sàng hỗ trợ Quân sắp đặt bàn gia tiên. Quân lược xốp gói quả lê, liền bị chi dâu đầu góp ý: “Chú làm thế khiến trái lê mất đi vẻ đẹp mới mua về, mà nó giống như thứ cúng Tết nhà này, chuyển qua cúng rằm nhà khác. Lê để trần, bày bàn thờ khiến vỏ lê tiếp xúc với chuối dễ bị bầm thâm xấu xí”.

Đến phần trái bưởi, người chị dâu thứ hai mua góp mâm cũng cho rằng không cần bóc bỏ túi cước bên ngoài cùng màng nylon bên trong vì vỏ bưởi không xanh đồng đều… Mẹ anh Quân đỡ lời: “Bày để cúng, chứ không phải để bán. Các chị cứ để kệ cho em nó làm”.

Anh Quân thắc mắc: “Không biết các gia đình khác ra sao? Nhưng qua một chuyện thờ cúng trong một gia đình nhỏ như gia đình tôi mà nghĩ rằng, có một bộ phận người trong nông thôn rất tôn sùng vỏ bọc, bao gói trái cây mọi lúc, mọi nơi. Đây là một ý nghĩ, một hành vi cần phải tuyên truyền, loại bỏ”.

“Đó là câu chuyện có thật trong gia đình tôi. Tôi không hiểu tại sao các chị dâu của tôi lại đưa ra những lý do khác thường đến vậy. Hay họ muốn trái cây cúng xong sẽ “quay đầu” về chợ? Nếu được khuyên, tôi khuyên người mua loại bỏ khi mua, để người bán gói ghém lại, tiêu hủy một lần sẽ tiện hơn”- anh Quân cho hay.

Một chuyện khác liên quan đến rác thải nylon nhưng do hàng xóm “tặng”. Đó là sự phàn nàn của anh Huỳnh Văn Cảnh, ngụ tại khu dân cư Thanh Nam, phường Cẩm Châu (Hội An, Quảng Nam). Gia đình anh Cảnh ở bên bờ sông Đò, ngõ vào hẹp, dài, nhiều cỏ dại, bụi rậm. Tết, gia đình anh Cảnh đóng cửa về quê Quảng Trị, hết Tết trở lại Hội An thì anh Cảnh không nhận ra cái ngõ quen thuộc của gia đình mình.

Ảnh Cảnh lắc đầu: “Bọc nylon đen, vỏ tivi cũ, thùng nhựa đựng bia cùng với nhiều loại túi bóng trắng, xanh, đỏ… rắc đều hai bên lối đi. Như vậy, họ đã lợi dụng lúc chúng tôi không ở lại, dân cư gần đó đã tiện tay ném rác”.

“Bên rệ sông, nào là nệm mút cuộn tròn, bàn thờ cũ, đèn dầu, đèn điện, bình hoa, bát đĩa thờ cúng đủ cả. Họ biến con ngõ vào nhà tôi thành một bãi chứa đồ dọn dẹp y như ngoài nghĩa trang cuối năm. Tôi rất ngao ngán cái việc này”- anh Cảnh cho hay.

Đúng là, có sống cùng mới hiểu mặt phải, mặt trái, thói xấu, thói tiện tay sạch nhà mình, bẩn nhà hàng xóm cũng thây kệ. Đó còn là một lối sống không đẹp, không văn hóa, văn minh.

Dùng đồ nhựa thì dễ, xử lý thì khó

Rác thải nhựa đang là một mối hiểm họa cho môi trường sinh thái và sức khỏe của con người. Làm thế nào để hạn chế dùng nhựa chứa đồ uống, bao đựng trong các phiên chợ, cửa hàng tạp hóa, xe bán hàng rong… Làm thế nào để rác thải nhựa có chỗ nằm trong thùng rác chứ không phải bay theo cơn gió, chình ình những lối đi, bồng bềnh theo dòng nước chảy, khiến bãi cỏ, bờ sông mất đi vẻ đẹp thơ mộng? Anh Vương Ngọc Quyết- giáo viên dạy tiếng Nhật tại trung tâm Sakura Đà Nẵng, cho hay: “Nó nằm trong ý thức của mỗi người”.

“Ví như con trai tôi, cháu đã sống bên Nhật Bản 7 năm. Khi về nước, tôi mua cho cháu một cây kem, cháu chỉ cầm mà không ăn? Hỏi cháu mới biết, cháu chưa nhìn thấy thùng rác để bỏ vỏ kem nên nhất định không bóc”- anh Quyết cho hay.

Ý thức xả rác luôn nằm trong ý nghĩ của mỗi người và làm thế nào để đánh động được ý thức xả rác có nền nếp trong cộng đồng? Anh Quyết cho hay: “Chúng ta cần tuyên truyền trong môi trường trường học, trong cộng đồng dân cư để thu gom nó chứ không phải chôn, lấp, ném bừa bãi”.

Nhựa không những chỉ tham gia vào yếu tố thương mại mà còn tham gia vào chuỗi trồng trọt trong nông nghiệp như rau xà lách thủy canh chùm rễ cuộn tròn nylon, ổi bọc nylon không bị ong châm sâu đục… Trong trường hợp này, anh Lê Văn Quân, cho hay: “Chị gái tôi khoe có vườn ổi. Tôi ra thăm vườn và chỉ thấy bao nylon trắng dưới gốc cây. Hỏi chị sao không thu lượm vỏ bọc cho đỡ nhớp vườn. Chị tôi cho hay, thứ đó gió không thổi bay đi thì mưa rào sẽ cuốn trôi ra sông, ra biển. Câu trả lời thản nhiên vậy đó”.

Từ chuyện “ăn nhựa”, “chơi nhựa”, “ngủ nhựa”, “mặc nhựa” và hít thở nhựa vào phổi. “Thời đại nhựa” với những hệ luỵ khó lường.

Hiện tại, trên nhiều bờ biển thỉnh thoảng xuất hiện nhóm người thu lượm vỏ chai nhựa, bao nylon, lưới rách trôi dạt. Trong những tuần gần đây, trên bãi biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), có nhóm gia đình gồm người Việt Nam và người nước ngoài thường xuyên đưa nhau ra dọn vào ngày chủ nhật. Đây là cách làm đáng trân trọng và cũng cần nhân rộng để ai đó có thói quen xả rác nhựa vô tội vạ cũng cảm thấy áy náy với chính mình, với chính môi trường mà mình đang sống.

Quỹ thế giới về bảo tồn thiên nhiên WWF, chi nhánh tại Pháp đã dựa vào một nghiên cứu của Đại học Newcastle, Australia, cho biết tính trung bình mỗi tuần, mỗi người tiếp nhận vào trong cơ thể 5 gram nhựa, tương đương với lượng nhựa của một chiếc thẻ ngân hàng.