Tuyên truyền các dịch vụ công trực tuyến tới người dân

Mới đây, Ban Chỉ đạo Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) thành phố Hà Nội đã triển khai, tập huấn ba quy trình dịch vụ công gồm đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử trên Cổng dịch vụ công, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 600 điểm cầu là UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn đã tham gia tập huấn.
0:00 / 0:00
0:00

UBND thành phố đã có Quyết định số 2549/QĐ-UBND ngày 21/7/2022 ban hành Quy trình đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử trên Cổng Dịch vụ công, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã. Thực hiện theo cách thức mới, chính quyền các địa phương phải tiếp nhận, giải quyết hồ sơ điện tử trên Cổng dịch vụ công, "một cửa điện tử" theo quy trình do UBND thành phố ban hành. Hệ thống này có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cần đăng ký, đăng nhập tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cách làm mới sẽ khiến các cán bộ và người dân gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ, trong khi đây là những dịch vụ công rất thiết yếu, gắn bó suốt cuộc đời mỗi người dân. Các dữ liệu dân cư, hộ tịch cũng là dữ liệu cá nhân, cần được bảo mật an toàn. Trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ, thành phố Hà Nội lại là đơn vị được chọn làm điểm. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần làm thực chất, để mọi người dân đều được hưởng lợi.

Do đó, với ba quy trình đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn và đăng ký khai tử, chính quyền các địa phương phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo; vừa làm, vừa hoàn thiện việc thực hiện ba quy trình. Dữ liệu dân cư, dữ liệu hộ tịch phải được bảo đảm an toàn. Sở Tư pháp phải tích cực phối hợp các đơn vị tập huấn nghiệp vụ cho công chức UBND cấp xã, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện ba quy trình. Định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố, Bộ Tư pháp về tình hình, kết quả thực hiện.

Lãnh đạo các quận, huyện, phường, xã trong quá trình triển khai cũng phải đánh giá toàn diện về quy trình, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị để có giải pháp thực hiện đạt hiệu quả; thường xuyên tiếp nhận phản ánh của công dân trong sử dụng dịch vụ công, tập hợp kiến nghị, đề xuất thành phố và Chính phủ điều chỉnh về quy trình, thủ tục cho phù hợp. Công chức trên địa bàn cần gương mẫu, tiên phong và thường xuyên tuyên truyền để người dân biết, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, góp phần cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức.