Tuyên Quang nỗ lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật số

Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 1.332 vị trí lắp đặt trạm thu phát sóng di động, bảo đảm gần 100% số thôn, bản, tổ nhân dân trên địa bàn được phủ sóng điện thoại di động, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên kỹ thuật Viettel huyện Yên Sơn thực hiện nâng cấp, bảo dưỡng trạm phát sóng.
Nhân viên kỹ thuật Viettel huyện Yên Sơn thực hiện nâng cấp, bảo dưỡng trạm phát sóng.

Hiện nay, 100% các trung tâm xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có hạ tầng Internet băng rộng cáp quang; 100% Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị được kết nối Internet băng rộng cáp quang và được kết nối mạng truyền số liệu. Hơn 94% thôn, bản, tổ dân phố có hạ tầng Internet băng rộng.

Trong năm 2023, tỉnh Tuyên Quang được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt danh sách hỗ trợ triển khai hạ tầng Internet băng rộng tại 47 thôn; triển khai trạm thu phát sóng thông tin di động ở một thôn; duy trì hỗ trợ dịch vụ viễn thông di động cho hơn 20.000 hộ nghèo và cận nghèo; gần 200 cơ quan (trường học, trạm y tế) cấp xã sử dụng dịch vụ Internet băng rộng cố định.

Ông Ma Kim Hải, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cả, xã Công Đa, huyện Yên Sơn phấn khởi cho biết, đầu năm 2023, thôn được lắp đặt trạm phát sóng di động 3G, 4G, bà con trong thôn vui mừng lắm, cùng nhau mua điện thoại thông minh để sử dụng. Mọi người muốn thông tin cho nhau không phải mất công đến tận nơi nữa, bấm số là gọi mà còn gọi được cả video.

Sóng điện thoại hỗ trợ công việc cho ông rất nhiều. Ông và bà con trong thôn biết sử dụng Zalo, Facebook, đọc báo và tìm hiểu những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi ngay trên điện thoại. Chi bộ thôn lập nhóm Zalo dùng chung, mọi thông tin được nhắn lên nhóm, đảng viên, người dân đều nắm được, nhanh, hiệu quả và tiện lợi.

Với nguồn lực và thế mạnh công nghệ, VNPT Tuyên Quang đang tích cực xây dựng nền tảng hạ tầng số, hệ sinh thái số phong phú, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, triển khai chính quyền điện tử. VNPT Tuyên Quang đầu tư phát triển các trạm phát sóng mới 3G, 4G đến tất cả các khu vực.

Ông Hoàng Mạnh Tùng, Trưởng phòng Kỹ thuật, Đầu tư, VNPT Tuyên Quang cho biết, thời gian vừa qua, VNPT Tuyên Quang đã lắp đặt 52 điểm trạm di động 3G, 4G nhằm mở rộng vùng phủ sóng, trong đó 10 trạm phục vụ thôn, bản trắng sóng di động theo chương trình "Sóng và máy tính cho em".

VNPT cũng thi công mới 242.000km cáp quang, lắp đặt 441 bộ chia cáp quang cấp 2 với dung lượng 3.500 thuê bao để cung cấp dịch vụ Internet phục vụ khách hàng.

Tuyên Quang nỗ lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật số ảnh 1

Nhân viên kỹ thuật VNPT Tuyên Quang kiểm tra trạm phát sóng.

Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Giám đốc Viettel Tuyên Quang cho biết, để phục vụ quá trình chuyển đối số tại địa phương, trong những năm qua, Viettel Tuyên Quang đã xúc tiến triển khai phát triển hạ tầng mạng lưới mạng 4G và cố định băng rộng đến tận thôn, xã trên địa bàn toàn tỉnh. "

''Chúng tôi cũng dành nguồn lực lớn để đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; triển khai lắp đặt 126.024 cổng/1.580 thôn có băng thông rộng cáp quang, tỷ lệ đạt 91,2%, phát sóng thử nghiệm 5G với 4 trạm tại thành phố Tuyên Quang và 1 trạm tại thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa; lắp đặt 663 trạm 4G phủ sóng đến hơn 90% số thôn trên địa bàn tỉnh", ông Nguyễn Hồng Chuyên cho biết thêm.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số, mục tiêu từ nay đến năm 2025, Viettel Tuyên Quang dự kiến sẽ phát sóng bổ sung 100 trạm 4G, 16.000 cổng Gpon (mô hình kết nối mạng theo kiểu kết nối: Điểm-Đa điểm) phục vụ tốt nhất cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tốc độ truy cập mạng băng rộng của tỉnh Tuyên Quang đã được cải thiện rất nhiều so với những năm trước.

Trung bình chỉ số tải xuống ở mạng di động băng rộng tăng khoảng 26%, mạng cố định băng rộng tăng khoảng 44%. Hiện 100% các trung tâm xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng băng rộng cáp quang; 100% Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị được kết nối Internet băng rộng cáp quang; hơn 81% thôn, bản, tổ dân phố đã có hạ tầng Internet cáp quang; phủ sóng thông tin di động đến thôn, đạt gần 97%. Hạ tầng viễn thông tại tỉnh hiện nay cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu kết nối, sử dụng dữ liệu của chính quyền, người dân trên địa bàn".

Tuyên Quang nỗ lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật số ảnh 2

Người dân sử dụng mạng di động 4G để mua bán hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định, hạ tầng số của tỉnh đã từng bước được hoàn thiện, thời gian tới, sở tiếp tục làm việc với doanh nghiệp viễn thông để xóa điểm trắng sóng đồng thời tiếp tục tham mưu với tỉnh huy động nguồn lực, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng số tạo nền tảng cho chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu. Vẫn còn một số vùng lõm sóng thông tin di động, tỷ lệ dùng chung hạ tầng viễn thông và ngầm hóa trên địa bàn tỉnh còn thấp. Vì vậy, chưa đáp ứng được hết nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân.

Ở một số xã vùng sâu, vùng xa, hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số như: điện lưới, sóng điện thoại, điện thoại thông minh, máy tính… chưa đầy đủ, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn hạn chế.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn triển khai xây dựng, phát triển hạ tầng mạng lưới, cung cấp dịch vụ mạng di động 4G/5G, đường truyền Internet tốc độ cao để thúc đẩy, tăng tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh của người dân; đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn toàn tỉnh.

Mục tiêu là sẽ phủ sóng 4G tại mọi địa điểm của tỉnh, chuyển đổi toàn bộ các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh sang sử dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (Ipv6); xây dựng, hoàn thiện hạ tầng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC); duy trì hiệu quả hoạt động của Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến, triển khai hệ thống wifi công cộng thông minh nhằm phục vụ nhu cầu truy cập thông tin qua mạng Internet thuận lợi cho nhà đầu tư, khách du lịch và nhân dân, đồng thời, phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT), xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu để chuyển đổi thành hạ tầng số.

Tỉnh cũng có kế hoạch xây dựng bản đồ số, xây dựng trung tâm dữ liệu, tạo lập dữ liệu mở, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm và dữ liệu dùng chung, dịch vụ số hóa dữ liệu, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) để kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo đảm phát triển và hoàn thiện mạng lưới công nghệ thông tin, phục vụ tốt nhất cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.