Tuyên Quang phát huy vai trò tổ công nghệ số cộng đồng

Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã thành lập 1.871 Tổ Công nghệ số cộng đồng với tổng số thành viên 10.257. Tỷ lệ tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và cấp thôn trên địa bàn tỉnh đạt 100% và 100% các thành viên trong tổ đã được tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng số.
0:00 / 0:00
0:00
Các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng số.
Các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng số.

Từ giữa năm 2022, các tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn được thành lập trên địa bàn toàn tỉnh Tuyên Quang nhằm hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân. Đây được xem là lực lượng nòng cốt ở cơ sở đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân.

Các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng tại tỉnh Tuyên Quang luôn nhiệt tình, trách nhiệm, đã và đang phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân nắm kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản và tương tác với chính quyền, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số từ cấp cơ sở, tạo ra các công dân số.

 Tuyên Quang phát huy vai trò tổ công nghệ số cộng đồng ảnh 1

Tổ công nghệ số cộng đồng tại các tổ dân phố tham gia tập huấn sử dụng ứng dụng chính quyền số và các ứng dụng nền tảng số.

Chị Lê Thị Phương Thảo, cán bộ Đoàn thanh niên phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, cho biết, với phương châm "vừa làm, vừa rút kinh nghiệm", các thành viên trong Tổ đã tích cực tham gia các lớp tập huấn do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Trên cơ sở đó, các thành viên đã nắm bắt được các kỹ năng số, tích cực đến các gia đình để hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ các nhu cầu thiết yếu như y tế, thanh toán điện nước, hướng dẫn lập tài khoản và nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, tải và sử dụng ứng dụng VNEID. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền về chuyển đổi số, hướng dẫn các hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn phường đăng ký và thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, người dân và các hộ kinh doanh đã được hưởng lợi từ các dịch vụ công, tiện ích số nhanh và hiệu quả.

Ông Bùi Tuấn Cường, ở tổ 12, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang chia sẻ, được các thành viên trong tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền về chuyển đổi số, hướng dẫn tận tình cách thức sử dụng các phần mềm công nghệ số, tôi đã hiểu hơn về lợi ích mà chuyển đổi số đem lại, đồng thời nâng cao trách nhiệm của bản thân trong tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đối với tôi, việc tham gia chuyển đổi số mang lại rất nhiều thuận lợi, đơn cử như hiện nay, tôi đã không phải đến trụ sở của Công ty Điện lực để thanh toán tiền điện hằng tháng mà chỉ cần tải App của ngân hàng để thanh toán không dùng tiền mặt; khi đi khám bệnh chỉ cần mang thẻ căn cước công dân là có thể thực hiện giao dịch các thủ tục hành chính tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, tổ công nghệ số cộng đồng các cấp trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt ra quân triển khai thực hiện nhiệm vụ đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến từng người dân trên địa bàn, để người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực. Cụ thể như: sử dụng Ứng dụng Chính quyền số Tuyên Quang (App ID Tuyên Quang); sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sàn thương mại điện tử; thanh toán điện tử; hướng dẫn sử dụng Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang; Cổng thông tin du lịch tỉnh Tuyên Quang…

Các cơ quan, đơn vị cũng đã chủ động tổ chức các hội nghị bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số phục vụ công tác chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị mình để phục vụ công tác chuyên môn của ngành.

 Tuyên Quang phát huy vai trò tổ công nghệ số cộng đồng ảnh 2

Người dân dễ dàng sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR truy cập các ứng dụng số sau khi được Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn.

Bà Hồ Thị Phương Lan, Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ thông tin và Bưu chính viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cho biết, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, ngay sau khi các tổ được thành lập, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các huyện, thành phố, ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, Tỉnh đoàn và các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng số cho các thành viên trong tổ, bảo đảm các thành viên là những người ứng dụng thành thạo công nghệ trước khi trở thành tuyên truyền viên đưa công nghệ số đến người dân.

Tuy nhiên, vấn đề hạ tầng công nghệ số ở cơ sở còn chưa đồng bộ, tỷ lệ người dân chưa có điện thoại di động thông minh vẫn còn cao là trở ngại đối với tổ công nghệ số ở xã, thôn trong quá trình hoạt động.

Bà Lan cho biết thêm, với sự nhiệt tình, trách nhiệm, tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương đã tổ chức hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch… thông qua các nền tảng số; tham gia sàn thương mại điện tử.

Qua công tác tuyên truyền phổ biến, người dân bước đầu đã làm quen với khái niệm chuyển đổi số, từng bước cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 251.500 tài khoản Mobile Money, ví điện tử đang hoạt động. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số đạt 100%.

Có 904 doanh nghiệp đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử với 2.456 sản phẩm về nông, lâm, thủy sản, dịch vụ du lịch, lữ hành. 100% cơ sở khám chữa bệnh được trang bị đầu đọc thẻ để triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đã kích hoạt thành công tổng số 415.511 tài khoản định danh điện tử mức 1 và mức 2.

Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được cấp phép khác đạt 84%...

Có thể thấy, hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng trong thời gian qua là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp, là giải pháp quan trọng phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Các tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố cũng là cầu nối của chính quyền địa phương nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến người dân, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.