Đưa hoạt động sản xuất kinh doanh lên môi trường số ở Tuyên Quang

Nhờ ứng dụng các nền tảng số, công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp của tỉnh Tuyên Quang đã đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả. Qua đó, giá trị sản xuất kinh doanh được nâng cao, thêm điều kiện kết nối, mở rộng thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty Điện lực Tuyên Quang ứng dụng công nghệ để vận hành các trạm biến áp 110Kv kết nối về Trung tâm điều khiển xa.
Công ty Điện lực Tuyên Quang ứng dụng công nghệ để vận hành các trạm biến áp 110Kv kết nối về Trung tâm điều khiển xa.

Là một trong những đơn vị tiên phong, đi đầu thực hiện chuyển đổi số, Công ty Điện lực Tuyên Quang xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ hàng đầu và đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả vận hành, cải thiện độ tin cậy trong cung cấp điện nhằm mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Ông Trần Văn Hảo, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang cho biết: Công ty đã chủ động triển khai mạnh mẽ số hóa điện tử đến từng công việc như: Áp dụng hóa đơn điện tử; thay thế hệ thống đo đếm điện năng bằng các công tơ điện tử có tính năng đo xa, đồng thời, triển khai cung cấp 12/12 dịch vụ điện trực tuyến để đơn giản hóa mọi thủ tục, hồ sơ của khách hàng trên Cổng dịch vụ công quốc gia, website và ứng dụng chăm sóc khách hàng EVNNPC. Đẩy mạnh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, qua đó khách hàng có thể thanh toán tiền điện qua ATM, Internet Banking, trích thu nợ tự động và các tổ chức trung gian như Viettel, Bưu điện… khuyến khích khách hàng sử dụng ví điện tử như ViettelPay, ZaloPay, VNPay... để thực hiện thanh toán tiền điện. Đến nay, số khách hàng được công nhận thanh toán không dùng tiền mặt, chiếm hơn 78% tổng số khách hàng.

Đưa hoạt động sản xuất kinh doanh lên môi trường số ở Tuyên Quang ảnh 1

Cán bộ công ty Điện lực Tuyên Quang hướng dẫn người dân thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt qua các ứng dụng.

Cùng với đó, Công ty đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực quản lý, vận hành như sử dụng thiết bị flycam kiểm tra lưới điện, công nghệ rửa sứ hotline, camera nhiệt, máy siêu âm thiết bị điện trong quản lý vận hành, giúp phát hiện nhanh khiếm khuyết đường dây. Đưa hệ thống SCADA/DMS vào vận hành kết nối về Trung tâm điều khiển xa, hiện tại, Công ty đã đưa 7/7 trạm biến áp 110kV vận hành chế độ không người trực. Đồng thời, Công ty kết nối và điều khiển xa các thiết bị trên lưới điện trung áp.

Một trong những giải pháp để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện mà Công ty Điện lực Tuyên Quang đang tích cực triển khai thời gian qua là công nghệ rửa sứ hotline, giúp hạn chế tối đa việc cắt điện khi bảo dưỡng, góp phần giảm thời gian mất điện của khách hàng. Trong thời gian tới, Công ty triển khai xử lý sự cố, đấu nối hotline, thực hiện trên lưới điện đang mang điện tại khu vực thành phố và thị trấn các huyện.

Ứng dụng nền tảng công nghệ số để quản lý, điều hành, đưa các dây chuyền hiện đại, tự động hóa phục vụ sản xuất được Nhà máy gạch tuynel chất lượng cao Tuyên Quang thuộc Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang lựa chọn để phát triển đơn vị. Ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang cho biết, đơn vị đang sử dụng công nghệ sản xuất gạch tuynel lò đĩa, robot xếp gạch, toàn bộ quy trình sản xuất tự động hóa 100%. Quy trình hút ẩm, sấy, nung và làm nguội khép kín hoạt động liên tục, hệ thống xử lý khí thải hiện đại hạn chế tối đa lượng khí thải.

Nhà máy có công suất khoảng 35 vạn gạch trên ngày. Việc ứng dụng công nghệ cao và các nền tảng số, cùng với dây chuyền hiện đại giúp đơn vị tăng 250% sản lượng sản xuất, tăng 200% công suất bốc xếp gạch, giảm 80% sản phẩm bị đổ vỡ và hư hại so với sử dụng nhân công truyền thống, giảm ô nhiễm, thân thiện với môi trường. Sản phẩm gạch tuynel chất lượng cao đang được nhiều nhà thầu lựa chọn để xây dựng các công trình lớn trong và ngoài tỉnh.

Đưa hoạt động sản xuất kinh doanh lên môi trường số ở Tuyên Quang ảnh 2

Dây chuyền tự động ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất của Nhà máy gạch tuynel chất lượng cao Tuyên Quang.

Hiện, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai hỗ trợ các giải pháp chăm sóc và quản trị khách hàng cho các doanh nghiệp; hỗ trợ các giải pháp bán hàng thông minh cho các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Sàn Thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang hiện có 904 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 2.456 sản phẩm về nông, lâm, thủy sản, dịch vụ du lịch, lữ hành. Có 128 sản phẩm của 124 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được giới thiệu trên Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Bên cạnh việc mở ra nhiều cơ hội, chuyển đổi số cũng là thách thức mới cho các doanh nghiệp. Để thay đổi tư duy của chủ doanh nghiệp và người lao động về chiến lược, thói quen kinh doanh từ truyền thống sang kinh doanh trên môi trường công nghệ số là vấn đề không hề đơn giản. Nguồn kinh phí để đầu tư ứng dụng công nghệ số đang là khó khăn, rào cản đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.300 doanh nghiệp. Những năm gần đây, các doanh nghiệp trên địa bàn đã và đang đẩy mạnh thực hiện ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh và đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp còn chưa đồng đều, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong cách triển khai. Do đó, người đứng đầu doanh nghiệp cần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn công nghệ, nền tảng số phù hợp với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp mình; quan tâm bố trí nhân lực cho chuyển đổi số; chú trọng đến đào tạo nâng cao trình độ, nhận thức, kỹ năng số cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp và người lao động để bảo đảm có khả năng làm chủ, khai thác và phát huy hiệu quả công nghệ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải có sự chuẩn bị về tinh thần và tài chính, tạo nền móng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số. Khuyến khích, động viên, nhân rộng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã đã và đang ứng dụng các phần mềm chuyên dụng phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối, xúc tiến, quảng bá; chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao vào các hoạt động, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp; khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp trong ngành công nghệ số; tạo điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tài chính, thông tin nhằm phát triển kỹ năng công nghệ số một cách tối ưu...

Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực cũng cần tiên phong chuyển đổi số, để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nhất là trong những lĩnh vực như tài nguyên môi trường, đất đai, bảo hiểm.