Nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi số cấp xã ở Tuyên Quang

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả trong công tác chuyển đổi số, tuy nhiên, ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đầy đủ, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn thấp, nên việc tiếp cận các nội dung chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Do đó, tỉnh Tuyên Quang đang và sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” này.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Công an hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm VNeID.
Cán bộ Công an hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm VNeID.

Xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số là một trong những giải pháp nhằm hiện đại hóa nền hành chính. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng đang được tỉnh Tuyên Quang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, Tuyên Quang cần quyết tâm và sớm có giải pháp căn cơ tháo gỡ “điểm nghẽn”, nhất là nguồn nhân lực số, hạ tầng số và sự đồng hành của người dân ở cơ sở.

Từ sự quan tâm của các cấp chính quyền và đồng hành của người dân, đến nay, 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được phủ sóng băng rộng cáp quang; 100% ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị được kết nối Internet băng rộng cáp quang.

Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đã cung cấp hơn 1.800 dịch vụ hành chính công trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, số dịch vụ công trực tuyến một phần là 703 dịch vụ, đạt 38,57%; dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 1.120 dịch vụ, đạt 61,43%. Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 75%; tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt khoảng 55%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 84%...

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi số cấp xã ở Tuyên Quang ảnh 1
Người dân được hướng dẫn các thao tác sử dụng phần mềm công nghệ số trên điện thoại di động.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả, tuy nhiên, ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đầy đủ, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn thấp nên việc tiếp cận các nội dung chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn nhân lực số và sự tham gia đồng hành của người dân. Phần lớn cán bộ làm công tác tham mưu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan chỉ thực hiện nhiệm vụ phụ trách, kiêm nhiệm, nên việc chủ động tham mưu triển khai xây dựng chính quyền số còn chưa kịp thời.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, Lý Thị Thu Hằng cho biết: Trung Minh là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện. Người dân trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và xã còn 2 thôn chưa có sóng điện thoại, độ phủ sóng điện thoại ở nhiều thôn còn yếu.

Cuộc sống của người dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhận thức còn nhiều hạn chế, kỹ năng số của người dân chưa cao. Số người dân biết và thực hiện các dịch vụ công ở xã vẫn còn khiêm tốn, việc thực hiện các thao tác trên điện thoại thông minh chưa tốt, nhiều người còn tâm lý đến tận xã giải quyết cho chắc chắn dẫn đến hiệu quả chuyển đổi số chưa được như kỳ vọng.

Mặt khác, hạ tầng công nghệ thông tin khá lạc hậu, thiếu đồng bộ, trang thiết bị phục vụ hoạt động tại bộ phận một cửa chưa đáp ứng yêu cầu như: máy tính cũ cấu hình thấp, thiếu máy scan...

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Khương, huyện Hàm Yên, Triệu Ngọc Phúc, để người dân biết và thực hiện các thủ tục hành chính trên không gian mạng, cán bộ xã vừa tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ bản giấy, vừa cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho người dân các thao tác trên điện thoại thông minh. Đồng thời, để khắc phục tình trạng trên, xã chỉ đạo cán bộ, công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tăng cường tuyên truyền về lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Mặt khác, hướng dẫn người dân lập tài khoản, thao tác gửi hồ sơ qua mạng, giúp người dân gỡ bỏ tâm lý ngại khó, quen với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính. Đối với người dân không sử dụng điện thoại thông minh, người cao tuổi, cán bộ xã hỗ trợ tạo tài khoản cho người dân, nộp hồ sơ giúp người dân. Ngoài ra, xã cũng thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vừa khảo sát, vừa hướng dẫn các hộ dân trên địa bàn tham gia tìm hiểu chuyển đổi số, đặc biệt là hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và kích hoạt định danh điện tử (VNeID).

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các tiện ích, ứng dụng thông minh, hỗ trợ người dân sử dụng điện thoại thông minh, thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số.

Để quyết tâm gỡ những “điểm nghẽn” trong thực hiện chuyển đổi số từ cấp xã, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cho rằng, bên cạnh các giải pháp xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ưu tiên các giải pháp chuyển đổi nhận thức và xây dựng các nền tảng dùng chung cho toàn tỉnh; tập trung phát triển hạ tầng số; tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin...

Cùng với đó tỉnh Tuyên Quang đặc biệt quan tâm đến yếu tố nhân lực số. Các huyện, thành phố xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến tận cấp cơ sở với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số trong các ngành, các cấp.

Ủy ban nhân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện quan tâm bố trí, nâng cấp trang thiết bị cho bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã, đội ngũ công chức… để phục vụ số hóa hồ sơ; tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát để trang cấp bổ sung và đôn đốc xây dựng, triển khai Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC); nâng cấp và xây dựng bổ sung nền tảng chung tích hợp chia sẻ các hệ thống thông tin quy mô cấp tỉnh (LGSP).

Các cấp, các ngành tăng cường tập huấn nghiệp vụ (về số hóa, dữ liệu, chữ ký số...) cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp một lần thông tin cho cơ quan Nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính.