Truyền đam mê cho thế hệ trẻ

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của cồng chiêng, điệu xoang, ngoài việc lưu giữ những bộ cồng chiêng quý hiếm, các nghệ nhân trên địa bàn huyện Ðăk Hà (Kon Tum) đang nỗ lực truyền dạy, truyền lửa đam mê văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban nhân dân huyện Ðăk Hà (tỉnh Kon Tum) trao bộ cồng chiêng tặng thôn Ðăk Kang Yốp.
Ủy ban nhân dân huyện Ðăk Hà (tỉnh Kon Tum) trao bộ cồng chiêng tặng thôn Ðăk Kang Yốp.

Dù bận rộn với công việc gia đình, nhưng khi được triệu tập truyền dạy cồng chiêng cho học sinh và thanh thiếu nhi tại thôn Ðăk Kang Yốp, xã Ðăk Hring, chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa dân gian thôn Kon Trang Long Loi, Nghệ nhân Ưu tú A Thuih cùng vợ là nghệ nhân Y Nhuih vẫn bố trí thời gian, vượt hơn 20 km để đến với lớp học.

Ông A Nỉh đã ngoài 50 tuổi vẫn sắp xếp thời gian đưa cháu của mình đến lớp. Ông cũng là người tích cực hỗ trợ nghệ nhân A Thuih vận động các cháu lên lớp đúng giờ, học tập nghiêm túc. Ông A Nỉh cho biết, trong các ngày hội, ngày lễ phải có cồng chiêng thì mới vui. Phụ huynh ở đây khi nghe con em mình được đến lớp để người lớn truyền dạy cồng chiêng đều nhiệt tình hưởng ứng.

Theo ông A Nẻo, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ðăk Kang Yốp, thôn hiện có hơn 100 hộ dân người dân tộc Bahna nhánh Rơ Ngao. Hàng chục năm nay, thôn đã vắng tiếng cồng chiêng, vắng những điệu xoang, âm hưởng hằn sâu trong tiềm thức người dân tộc thiểu số, do bộ cồng chiêng của thôn đã thất lạc. “Những người biết đánh cồng chiêng, biết biểu diễn những điệu xoang truyền thống cũng dần dần vắng bóng theo thời gian. Mong ước níu giữ bản sắc văn hóa truyền thống luôn âm ỉ trong tâm trí của dân làng.

Do vậy, lớp truyền dạy cồng chiêng được mở, không chỉ thu hút sự tham gia của các em học sinh, mà nhiều người dân trong thôn cũng tích cực đến học. Cứ đều đặn ngày chủ nhật hằng tuần, người dân lại tụ họp ở nhà rông của thôn để cùng nhau tập đánh cồng chiêng”, ông A Nẻo cho biết.

Còn với những người tâm huyết như nghệ nhân A Thuih, niềm vui càng được nhân lên khi đám trẻ trong thôn hào hứng với việc học cồng chiêng và biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình: “Cán bộ, người già và nhân dân trong làng yêu văn hóa của mình nên đôn đốc con em đến học. Khi tôi tiếp xúc với các em, các em yêu mến tôi thì tôi sẽ gieo được cái đam mê văn hóa truyền thống này cho các em”.

Địa bàn huyện Ðăk Hà có 17 nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân ưu tú và gần 100 nghệ nhân, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số đang lưu giữ những bộ cồng chiêng cá nhân, thông thạo chỉnh chiêng, biểu diễn cồng chiêng, xoang. Thời gian qua, các nghệ nhân trong huyện đã đem hết hiểu biết, khả năng của mình để truyền dạy lại các bài chiêng hay, các bài chiêng cổ.

Trần Anh Dũng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ðăk Hà

Với sự hướng dẫn nhiệt tình, tâm huyết của các nghệ nhân, từ chỗ bỡ ngỡ, nhiều thanh thiếu niên, học sinh dân tộc thiểu số người Bahna, Xơ Ðăng đã biết đánh các bài chiêng, biểu diễn các điệu xoang truyền thống của dân tộc mình.

Gìn giữ văn hóa cồng chiêng, xoang là góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của đồng bào. Ðể làm được điều này, vai trò của đội ngũ nghệ nhân dân gian là rất quan trọng. Họ không chỉ là người lưu giữ, bảo tồn mà còn là những người trực tiếp truyền lửa đam mê, giúp thế hệ trẻ ý thức về trách nhiệm kế tục, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình trong tương lai.