Hiệu quả mô hình “gắn kết hộ” ở Binh đoàn 15

Gắn kết hộ” là mô hình kết nghĩa giữa hộ công nhân người Kinh với công nhân người dân tộc thiểu số, nhằm trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, chăn nuôi, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình Thiếu tá Nguyễn Văn Kiên và gia đình anh Rơ Lan Nam thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống.
Gia đình Thiếu tá Nguyễn Văn Kiên và gia đình anh Rơ Lan Nam thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống.

Mô hình được Binh đoàn 15 áp dụng thực hiện từ năm 2006 đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới nơi đơn vị đóng chân.

Ở làng Ó Kly, xã Ia Tôr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), gia đình anh Vũ Duy Thành, bảo vệ Đội 1-chị Lê Thị Tâm, nhân viên y tá Đội 1 (Công ty Bình Dương, Binh đoàn 15), cùng gia đình anh Kpuih Klu-chị Siu Giáp, người dân tộc Gia Rai, được coi là hình mẫu “gắn kết hộ”.

Từ điều kiện gia đình khó khăn, được sự động viên, giúp đỡ của gia đình anh Thành, chị Siu Giáp đã mạnh dạn xin vào làm công nhân công ty, trở thành công nhân ưu tú, có tay nghề xuất sắc, hằng năm vượt kế hoạch sản lượng được giao, thu nhập ổn định. Gia đình chị Siu Giáp còn có 3 ha cà-phê, chăn nuôi bò, phát triển kinh tế vườn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ở làng Khóp, xã Ia Krêl, câu chuyện “gắn kết hộ” giữa gia đình anh Phạm Viết Tuấn, Đội phó Đội 6-chị Trần Thị Hường, giáo viên mầm non Đội 4 (Công ty 75) với gia đình anh Rơ Lan Grin-chị Ksor Phiyh, làm nhiều người xúc động.

Gia đình anh Rơ Lan Grin là một hộ thuộc diện khó khăn; năm 2021, được gia đình anh Phạm Viết Tuấn nhận “gắn kết hộ”, cùng động viên, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nuôi dạy các con. Anh Tuấn chia sẻ: “Hai gia đình cùng ở một làng nên rất thuận lợi hỏi thăm, động viên, giúp đỡ nhau.

Sau khi gắn kết hộ gia đình, tôi bàn với gia đình Rơ Lan Grin triển khai trồng cà-phê và tôi đã cầm tay chỉ việc, hỗ trợ ngày công giúp gia đình anh Grin trồng 600 cây cà-phê. Hiện cà-phê đã có quả bói, những năm tới hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao”. Chị Ksor Phiyh xúc động: “Việc gia đình anh Tuấn, chị Hường giúp gia đình tôi không đo đếm được bằng tiền, bằng ngày công, bởi đó là cái tình, cái nghĩa của gia đình anh chị dành cho gia đình tôi”.

Đại tá Trần Công Đức, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty 75 cho biết: Mô hình “gắn kết hộ” được Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty 75 thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Các cặp hộ gắn kết phải trên tinh thần tự nguyện; trong đó, hộ gia đình cán bộ, công nhân của đơn vị là hạt nhân để giúp hộ dân người dân tộc thiểu số. Vì vậy, các hộ công nhân được chọn phải là những hộ tiêu biểu trong làm kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc thì mới có thể giúp đỡ hộ gia đình dân tộc thiểu số được.

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 cho biết: Hoạt động “gắn kết hộ” đã mang lại hiệu quả thiết thực nhiều mặt, cả về chính trị, kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh. Qua giao tiếp hằng ngày, hộ công nhân người Kinh của đơn vị sẽ là cầu nối chuyển tải những nội dung về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương mà cán bộ của đơn vị và địa phương chưa chuyển tải hết đến đồng bào. Thông qua đó, nâng cao nhận thức, xây dựng cho đồng bào dân tộc thiểu số lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương.

Không những giúp nhau trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất được đơn vị giao, các cặp hộ gắn kết còn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau xanh, phá bỏ vườn tạp để trồng cao su, cà-phê, hồ tiêu đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. “Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số không những đã thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu, với thu nhập từ 200-300 triệu đồng mỗi năm từ kinh tế vườn đồi, chăn nuôi”, Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ thông tin.

Từ 30 cặp hộ ban đầu, đến nay, Binh đoàn 15 đã có hơn 4.000 cặp hộ gắn kết. Thực tiễn mô hình “gắn kết hộ” ở Binh đoàn 15 cho thấy, đây là một cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện phong trào “dân vận khéo” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Hiện nay, Binh đoàn 15 đang phát triển mô hình bằng xây dựng câu lạc bộ “cặp hộ 4 tốt”, với tiêu chí xây dựng các gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, nội quy, quy định của đơn vị và địa phương; tham gia các phong trào thi đua trong lao động sản xuất, học tập, công tác, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và an ninh biên giới có chất lượng, hiệu quả tốt; thực hiện tốt việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; phát triển kinh tế tốt, thu nhập bình quân đầu người trong năm đạt mức khá trở lên.