Mô hình sản xuất cải bắp đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với việc doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông chủ trì được triển khai tại xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song trên quy mô 6 ha, với 12 hộ tham gia.
Gia đình bà Trần Thị Ngoan ở thôn Thuận Thành tham gia trồng hơn 1 ha bắp cải theo mô hình liên kết. Do thời điểm trồng là trái vụ nên nông dân gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp, thường xuyên của các cán bộ kỹ thuật nên các vườn rau sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo bà Ngoan, tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 70% kinh phí mua vật tư nông nghiệp. Sản phẩm sau thu hoạch được doanh nghiệp liên kết là Công ty cổ phần Nông nghiệp CNC Nam Nung bao tiêu 100% với mức giá như cam kết là 5.000 đồng/kg, trong khi thương lái thu mua chỉ 2.000-3.000 đồng/kg.
Vì vậy, người sản xuất luôn được bảo đảm quyền lợi, có lãi, yên tâm tham gia chuỗi liên kết. Với hơn 1 ha bắp cải, gia đình bà Ngoan thu được 80 tấn sản phẩm/vụ, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình có lãi khoảng 300 triệu đồng.
Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp CNC Nam Nung Phạm Quốc Huy cho biết, công ty đã đẩy mạnh liên kết, chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất bắp cải, cà rốt ở xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song; cà rốt ở xã Đắk Ha, huyện Đăk G’long…
Trong quá trình liên kết, đơn vị luôn bảo đảm đầu ra ổn định cho người trồng như cam kết ban đầu nên người dân rất phấn khởi, tin tưởng. Cũng theo ông Huy, sản xuất nông nghiệp muốn phát triển bền vững, ổn định, ngoài các giải pháp canh tác thì cần phải đẩy mạnh liên kết; có như thế mới bảo đảm đầu ra cho sản phẩm và lợi ích hài hòa cả người dân và doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân, thông qua các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn có thể vươn ra thị trường lớn? Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông và Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông Nguyễn Văn Chương, vấn đề này không nằm ngoài câu chuyện chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mà ngành nông nghiệp Đắk Nông đang hướng đến.
Chuỗi liên kết sản xuất được xem là nền tảng nhằm định hình công tác tổ chức sản xuất ở khu vực nông thôn. Nếu không muốn tình trạng "được mùa mất giá", "được giá mất mùa" lặp đi lặp lại như thời gian qua thì bắt buộc phải thực hiện chặt chẽ chuỗi liên kết.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông Phạm Tuấn Anh cho rằng, lợi ích của việc liên kết là ngay từ khi bắt đầu xuống giống, nông dân đã biết được lợi nhuận của mình đạt bao nhiêu chứ không phải ngay ngáy lo đầu ra không biết bán cho ai, giá như thế nào như sản xuất thông thường hiện nay. Điểm mạnh của liên kết là một khi tham gia vào chuỗi thì nông dân sẽ biết được năng suất, sản lượng, giá cả thị trường cho sản phẩm của mình khi thu hoạch.