Già làng A Nhen gương mẫu

Là thế hệ cán bộ dân tộc thiểu số đầu tiên kể từ khi thành lập xã Đăk La, (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), sau khi nghỉ hưu, ông A Nhen sinh năm 1956, dân tộc Ba Na (nhánh Rơ Ngao) được nhân dân tín nhiệm bầu làm già làng, người có uy tín của thôn. Nhiều năm qua, già làng A Nhen trở thành nhân tố tích cực giúp chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, nhất là tham gia tích cực vào Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.
0:00 / 0:00
0:00
Già làng A Nhen (bên phải) tuyên truyền, vận động nhân dân thôn Đăk Tiêng K’Lah chăm lo phát triển kinh tế gia đình.
Già làng A Nhen (bên phải) tuyên truyền, vận động nhân dân thôn Đăk Tiêng K’Lah chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Dù đã ngấp nghé tuổi 70 nhưng già làng A Nhen ở thôn Đăk Tiêng K’Lah, xã Đăk La vẫn còn rất nhanh nhẹn và tháo vát. Hằng ngày, ngoài công việc chính là chăm sóc cây cà-phê, cao su, ông thường tranh thủ thời gian cải tạo khu đất ven suối để trồng cỏ voi, chăn nuôi thêm hàng chục con bò. Bên cạnh đó, nhờ chính sách ưu đãi của Nhà nước với người có uy tín, ông có điều kiện được tập huấn, tìm hiểu kiến thức để đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp vươn lên làm giàu.

Già làng A Nhen cho biết, nhờ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, mình mua được bò và chăm sóc đàn bò ngày càng phát triển hơn. Đồng thời nhờ nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cuộc sống gia đình cũng như thôn làng của mình mới có được sự thay đổi tích cực. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, với uy tín của mình, già làng A Nhen luôn gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn. Nghe và làm theo già làng A Nhen, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn chủ động vươn lên phát triển kinh tế, hỗ trợ nhau xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống và chung sức xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Anh A Duy, thôn Đăk Tiêng K’Lah chia sẻ: Nhờ có già làng A Nhen gương mẫu trong phát triển kinh tế từ cây cà-phê, cao su, bời lời và chăn nuôi cho nên mọi người trong thôn nhìn thấy làm theo, nhờ đó đời sống ngày càng được cải thiện. Khi già A Nhen tuyên truyền thì dân làng ai cũng tiếp thu, làm theo.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk La Trần Văn Tâm cho biết, thời gian qua, già làng A Nhen đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của già làng, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động người thân và người dân trong thôn phát triển kinh tế gia đình cũng như hướng dẫn người dân cách thức làm ăn như trồng trọt, chăn nuôi, góp phần xóa được hộ nghèo, kinh tế hộ gia đình trong thôn phát triển tích cực.

Già làng A Nhen cho biết, để nhân dân tín nhiệm, tin yêu, bản thân ông và gia đình luôn luôn gương mẫu, nói đi đôi với làm. Song, muốn làm, muốn phát triển thì không thể thiếu các chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, ông càng nêu cao trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vào thực tiễn. “Gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhà nước vẫn có những chế độ ưu tiên, ưu đãi với đồng bào dân tộc chúng tôi. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cộng với việc người dân chí thú làm ăn cho nên đời sống mọi người có sự thay đổi rất nhiều, nhất là trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, già làng A Nhen nhấn mạnh.

Thôn Đăk Tiêng K’Lah hiện có tổng số 234 hộ với hơn 1.300 nhân khẩu; trong đó 99% là đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na nhánh Rơ Ngao, theo Công giáo. Từ thôn đặc biệt khó khăn, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm xuống dưới 8%, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được giữ vững. Để có được kết quả này, bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, có một phần đóng góp công sức không nhỏ của già làng A Nhen ■