Cô giáo Lê Thị Ngọc Linh cho biết, khi về nhận công tác, cơ sở vật chất nhà trường hết sức thiếu thốn, trường không có điện, khi trời mưa các em không đọc, viết được vì thiếu ánh sáng. Mùa khô, lớp học không có quạt nên rất nóng ảnh hưởng đến việc học của các em. Trường tiểu học và trung học cơ sở Lê Văn Tám Đăk Pơ Pho chủ yếu là học sinh dân tộc Ba Na, điều kiện kinh tế khó khăn nên học sinh thường nghỉ học đi làm thuê để cải thiện cuộc sống. Một số cha mẹ có thói quen dẫn con đi làm rẫy nên bỏ lớp; hầu hết các em thiếu quần áo lành, thiếu dụng cụ học tập phải nhờ sự hỗ trợ của các thầy, cô giáo và các nhà hảo tâm....
Điểm làng xa trường trung tâm, việc đi lại của các em khá khó khăn do không có phương tiện, phải đi bộ, dẫn đến tình trạng học sinh đi học chậm, bỏ tiết, bỏ học khá cao. Khó nhất là do số lượng học sinh ít nên nhà trường phải gom các em thành lớp ghép để có giáo viên đứng tiết giảng dạy tại mỗi làng. Dạy học trong điều kiện thiếu thốn mọi bề, ngôn ngữ giáo viên và học sinh bất đồng..., nếu không có tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, giáo viên khó mà bám trụ lâu dài để dạy học ở các điểm trường khó khăn như vậy. Bằng tình thương yêu và sức trẻ của mình, cô Linh và các giáo viên trong trường đã không ngại khó khăn vận động người thân quen, bạn bè, các nhóm từ thiện, nhà hảo tâm thường xuyên hỗ trợ lương thực, quần áo, sách vở và đồ dùng học tập để giúp học sinh.
Theo cô giáo Linh, các em người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây rất nhạy cảm, khi học ở lớp mà bị mất dụng cụ học tập, bạn này nghi ngờ bạn kia, rồi mặc cảm, tự ái... nghỉ học cả tuần. Để động viên các em đi học trở lại, giáo viên phải đến nhà động viên, thuyết phục, thậm chí mua thêm cả quà bánh, đồ dùng cá nhân, dụng cụ học tập để các em trở lại trường học.
Để thuận tiện chia sẻ, tâm sự với học sinh và phục vụ việc dạy học, cô Linh đã chủ động học tiếng Ba Na. Nhận thấy phần lớn các em phát âm tiếng phổ thông không rõ, cô Linh đã xây dựng đề tài “Một số biện pháp rèn phát âm chuẩn cho học sinh lớp 1”. Kết quả: Qua một thời gian kiên trì áp dụng, học sinh chăm chỉ, chủ động tiếp thu kiến thức, có hứng thú đọc, phát âm chuẩn, đọc rõ ràng, lưu loát hơn; tỷ lệ học sinh đọc tốt, đọc khá đạt cao. Các em đọc yếu, không biết đọc, không hứng thú với giờ học Tiếng Việt thì sau đó đã rất thích học môn Tiếng Việt. Bằng nhiều phương pháp giảng dạy và nhiệt huyết với nghề, cô Linh đã giúp các em không còn rụt rè, không khí lớp học trở nên vui vẻ hơn.
Từ năm học 2022 đến nay, cô giáo Lê Thị Ngọc Linh đã kết nối nguồn lực để tặng bồn đựng nước cho nhà trường; nấu ăn trưa, phát bánh mì và sữa cho học sinh với kinh phí từ 1,5-2 triệu đồng/tháng; tặng đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh với tổng kinh phí hơn 160 triệu đồng. Bên cạnh đó, cô Linh còn kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, nhu yếu phẩm cho học sinh mồ côi, ốm đau và có hoàn cảnh khó khăn.
Sự nỗ lực của cô giáo Linh đã góp phần cùng tập thể giáo viên nhà trường làm tốt công tác vận động học sinh đến trường; trao niềm tin, động lực để các học sinh phấn đấu hơn trong học tập, rèn luyện. Tháng 5 vừa qua, cô giáo Linh được nhận Bằng khen gương người tốt-việc tốt tiêu biểu do Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Gia Lai trao tặng. Cô giáo Linh còn được Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức hằng năm bình chọn là một trong 60 nhân vật tiêu biểu truyền cảm hứng để Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương năm 2024.