Trường học không điện thoại

Từ tháng 10/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng khi đang học tập trên lớp, trừ trường hợp phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép. Quy định này đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong môi trường học đường.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh lớp 12D1 Trường THPT Lê Hồng Phong cất điện thoại vào hộp đựng đồ trước tiết học đầu tiên. (Ảnh TRẦN SƠN)
Học sinh lớp 12D1 Trường THPT Lê Hồng Phong cất điện thoại vào hộp đựng đồ trước tiết học đầu tiên. (Ảnh TRẦN SƠN)

Những ngày gần đây, trong các lớp học ở Trường trung học cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ) có thêm một đồ vật mới. Đó là chiếc tủ để cất điện thoại di động của các em học sinh mang đến lớp. Trước giờ vào học, các em học sinh chủ động tắt chuông điện thoại và cất vào trong tủ chung do lớp trưởng quản lý, đến khi tan học mới ra nhận lại.

Trong giờ học, nếu cần dùng đến điện thoại thì cô giáo sẽ cho phép học sinh lấy ra dùng, dùng xong lại cất lại. Với nhiều bài có nội dung quan trọng mà các bạn không ghi kịp, lớp trưởng sẽ chụp lại để gửi cho bạn nào cần. Trong trường hợp cần liên lạc gấp, học sinh có thể nhờ lớp trưởng hoặc giáo viên trong trường hỗ trợ.

Từ ngày 11/10/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu tất cả các trưởng phòng giáo dục và đào tạo, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, hiệu trưởng các trường trực thuộc nâng cao hiệu quả quản lý việc sử dụng điện thoại di động và các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường.

Nội dung công văn nêu rõ, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”; Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, trong đó nêu rõ: “Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định…”.

Chiếc điện thoại cất đi, không khí trường lớp bỗng thay đổi hẳn. Thay vì chỉ cúi xuống nhìn điện thoại, các em tích cực tham gia các hoạt động thể chất, hoạt động chung, rèn luyện và kết bạn. Ghi nhận tại nhiều trường học trên địa bàn, nếu như trước đây, vào giờ ra chơi, nhiều học sinh chỉ tập trung nhìn vào điện thoại để chơi game, truy cập các mạng xã hội, thì nay, các em đã tích cực tham gia các trò chơi vận động, chạy nhảy, nói chuyện, giao tiếp với nhau.

Trong giờ học, các em học sinh cũng tập trung nghe giảng, tích cực trao đổi bài hơn, thay cho việc “lén” dùng điện thoại để nhắn tin, nghe nhạc hoặc xem phim, chụp ảnh, quay clip… như trước. Trong các buổi chào cờ đầu tuần hoặc các tiết chuyên đề tại sân trường, các học sinh tập trung nghe thầy cô, chuyên gia trao đổi thay vì dành thời gian xem điện thoại. Em Nguyễn Minh Phương (lớp 10 Trường trung học phổ thông Kim Liên, quận Đống Đa) chia sẻ: “Lúc mới phải cất điện thoại trong giờ học ở trường, em cũng thấy hơi thiếu thiếu. Nhưng nhờ đó, chúng em không còn ngồi lì trong lớp mỗi giờ ra chơi, mà xuống sân để có những khoảng thời gian vui đùa, cùng nhau tham gia các hoạt động như chạy nhảy, cầu lông…”.

Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) Nguyễn Minh Phi nhận định, nhiều học sinh không dùng điện thoại vào học tập mà nghiện mạng xã hội, xao nhãng việc học. Việc sử dụng điện thoại thiếu kiểm soát còn gây lãng phí thời gian, khiến các em ít vận động trong giờ ra chơi, ít tương tác với bạn bè, thầy cô. Nhiều học sinh đăng những thông tin thiếu chuẩn mực, thậm chí trêu đùa nhau trên mạng xã hội, không kiểm soát được lời nói, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc nâng cao hiệu quả quản lý việc sử dụng điện thoại di động và các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường nhận được sự ủng hộ từ phía các bậc cha mẹ học sinh. Trước lo lắng của các bậc cha mẹ về phương thức liên lạc với con khi con tới trường, đại diện các nhà trường cho biết, khi gia đình có việc cấp thiết cần liên hệ với học sinh thì có thể gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm. Các trường đều quy định giáo viên chủ nhiệm lớp có trách nhiệm duy trì liên lạc với gia đình trong thời gian học sinh học tập tại trường.

Chị Nguyễn Thúy Hà (có con học Trường trung học cơ sở Chu Văn An) cho biết: “Tôi ủng hộ việc các trường áp dụng quy định không cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học khi không phục vụ việc học tập và không được phép của giáo viên. Việc bố trí tủ cất điện thoại của các con tại trường vừa bảo đảm an toàn, vừa thuận lợi để khi tan học, học sinh có thể nhanh chóng liên lạc với bố mẹ hoặc tự đặt phương tiện đi về”.