Lễ tưởng niệm Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang do Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức, diễn ra ấm cúng và đầy xúc động.
Trong không gian của Hội Sân khấu thành phố, rất nhiều nghệ sĩ tiền bối cũng như các nghệ sĩ trẻ đã có mặt từ sớm để thắp nén hương tưởng nhớ người nghệ sĩ tài hoa vừa mới ra đi. Những giọt nước mắt, những kỷ niệm về Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang được mọi người kể lại khiến không gian trụ sở Hội Sân khấu đong đầy hoài niệm.
Nhớ về đồng nghiệp, đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Ca Lê Hồng chia sẻ, Diệp Lang là một nghệ sĩ tài hoa, thu hút khán giả bởi khả năng diễn xuất thượng thừa. Ông “diễn trong ca, ca trong diễn”, luôn biết giao lưu với bạn diễn cho nên dù đảm nhận vai nào nghệ sĩ Diệp Lang cũng thể hiện được tính cách nhân vật đó một cách rõ nét, điều mà không phải diễn viên nào cũng làm được.
Theo đạo diễn Ca Lê Hồng, là nghệ sĩ chuyên “trị” vai kép độc, nghệ sĩ Diệp Lang không chỉ thể hiện cái độc, cái ác của nhân vật ở ngoại hình mà còn thể hiện được nội tâm của nhân vật. Điển hình như vai Hội đồng Thăng trong vở “Đời Cô Lựu” (soạn giả Trần Hữu Trang), ông đã có một vai diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp của mình.
Ông không chỉ cho khán giả thấy được một ông Hội đồng hiểm độc mà còn cho công chúng nhìn ra nỗi khổ ẩn sâu bên trong, để họ xót xa với số phận của ông Hội đồng Thăng. Điều đó làm cho những vai ông thể hiện như Hội đồng Dư, Hội đồng Thăng... ghi đậm dấu ấn khó phai trong lòng khán giả mộ điệu và cũng chưa nghệ sĩ nào có thể vượt qua được.
Không chỉ thể hiện tài năng trên sân khấu cải lương, Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang còn “lấn sân” qua lĩnh vực phim ảnh và kịch nói. Ở lĩnh vực nào ông cũng để lại ấn tượng bằng diễn xuất tự nhiên, “diễn như không diễn” của mình.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (sân khấu Idecaf) cho biết, ông rất ấn tượng về khả năng diễn xuất của nghệ sĩ Diệp Lang trên sân khấu kịch dù ông chỉ “ghé chơi” lĩnh vực này không lâu. Nghệ sĩ Diệp Lang từng tham gia ở sân khấu Idecaf hai vở kịch đó là “Trái tim trong trắng” và “Thuyền tình”.
Tuy là diễn viên cải lương nhưng khi bước lên sân khấu kịch, ông buông theo tiết tấu kịch rất tốt, xử lý những mảng miếng rất thông minh và vô cùng duyên dáng.
“Nếu ông đến với sân khấu kịch sớm hơn, lâu hơn thì diễn viên kịch nói sẽ học ở ông rất nhiều điều” - ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết.
Là người thường xuyên đóng vai con gái của Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang trong rất nhiều vở cải lương, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy không khỏi xúc động khi nhắc về người anh, người đồng nghiệp đáng kính của mình.
Năm 2007, tại rạp Hưng Đạo trên “Sân khấu Vàng” do Nghệ sĩ Nhân dân Minh Vương, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy sáng lập, Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang đã đạo diễn vở “Tình mẫu tử” của soạn giả Viễn Châu. Vở đã mang về doanh thu lớn, gây quỹ xây dựng nhà tình thương trao tặng đồng bào nghèo.
Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Lệ Thủy, vì nhiều lý do mà “Sân khấu Vàng” không thể kéo dài để có thêm nhiều ngôi nhà mới cho các gia đình nghèo. Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy mong muốn, những ai yêu mến nghệ sĩ Diệp Lang hãy tiếp tục dựng lại chương trình như “Sân khấu Vàng” năm xưa nhưng với tên mới để anh em nghệ sĩ tiếp tục có những đóng góp tích cực cho xã hội bằng lời ca tiếng hát của mình.
Có mặt tại lễ tưởng niệm từ rất sớm, Nghệ sĩ Nhân dân Minh Vương cho biết, ông và nghệ sĩ Diệp Lang cũng từng đóng chung nhiều vở diễn. Hình ảnh nghệ sĩ Diệp Lang trong lòng nghệ sĩ Minh Vương vẫn luôn là hình ảnh một người anh, một nghệ sĩ mẫu mực vừa có tài, vừa có đức, luôn biết quan tâm đến bạn diễn.
Riêng với soạn giả Đức Hiền, ông vẫn nhớ nghệ sĩ Diệp Lang từng thể hiện vai ông Lang trong vở “Nghiệp cầm ca” mà soạn giả Đức Hiền chuyển thể cải lương. Soạn giả Đức Hiền cho biết, không chỉ diễn giỏi, nghệ sĩ Diệp Lang luôn quan tâm đến đồng nghiệp một cách chân thành.
Soạn giả Đức Hiền nhớ, khi hay tin ông ngưng diễn, chuyển sang viết kịch bản, nghệ sĩ Diệp Lang biết được và cảm thấy tiếc nuối khi muốn ông đi theo nghiệp diễn hơn. Nhưng khi thấy soạn giả Đức Hiền có những bước thành công trên con đường mới, nhất là khi kịch bản “Bàn thờ Tổ của một cô đào” của ông được nhiều đoàn dựng, nghệ sĩ Diệp Lang lúc này mới cảm thấy nhẹ lòng với sự lựa chọn của đứa em đồng nghiệp.
Không phải là nghệ sĩ cải lương, nhưng Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương lại biết nghệ sĩ Diệp Lang từ những ngày còn rất nhỏ. Nhắc kỷ niệm về nghệ sĩ Diệp Lang, nghệ sĩ Kim Cương nhớ lần trò chuyện cuối cùng với ông cách nay cũng hơn 3 năm, khi dịch Covid-19 chưa xảy ra.
Lần đó, bà đi thăm người thân ở nước ngoài, nghệ sĩ Diệp Lang cũng đã định cư ở Mỹ. Bà liền điện thoại hỏi thăm nghệ sĩ Diệp Lang, hai người đã nói với nhau nhiều câu chuyện vui vẻ.
“Tuy nhiên, khi sắp kết thúc cuộc trò chuyện, nghệ sĩ Diệp Lang nói với tôi một câu mà tôi nhớ hoài: Tôi nhớ sân khấu quá bà Kim Cương ơi” - nghệ sĩ Kim Cương xúc động kể.
Nỗi nhớ sân khấu, nỗi nhớ khán giả dường như đã là nỗi nhớ chung của những người nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật dân tộc, cống hiến cả đời mình vì một sân khấu “Thật và Đẹp” như Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang - một tượng đài luôn sống mãi trong lòng người hâm mộ.