Bình luận quốc tế

Trở ngại với các quốc đảo Thái Bình Dương

Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây đưa ra cái nhìn không mấy lạc quan về bức tranh kinh tế của các quốc đảo Thái Bình Dương, chỉ rõ những thách thức đang đặt ra và rủi ro tiềm ẩn đối với khu vực. Dù vậy, WB vẫn cho rằng, các quốc đảo Thái Bình Dương có thể vượt qua những trở ngại nếu tăng tốc đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Ảnh: https://forumsec.org)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Ảnh: https://forumsec.org)

Bản cập nhật tình hình kinh tế Thái Bình Dương mới nhất của WB đưa ra những đánh giá và dự báo về 11 quốc đảo Thái Bình Dương, gọi tắt là PIC-11, gồm Micronesia, Fiji, Kiribati, Quần đảo Marshall, Nauru, Palau, Samoa, Quần đảo Solomon, Tonga, Tuvalu và Vanuatu.

WB dự đoán, tăng trưởng của các quốc gia châu Đại Dương này năm 2024 sẽ tụt xuống mức 3,6%, sau khi lên mức 5,8% trong năm 2023; trong đó, hai nền kinh tế lớn nhất là Fiji và Quần đảo Solomon suy thoái. Các quốc gia còn lại dù dự kiến tăng trưởng nhẹ trong năm 2024, song cũng khó giữ được đà tăng trưởng vào năm 2025. Trong trung hạn, tăng trưởng trung bình hằng năm của PIC-11 sẽ giảm từ mức 3,2% trong giai đoạn 2000-2019 xuống 2,7% trong giai đoạn 2020-2029.

Dù đề cập một số tín hiệu tích cực, song WB cho rằng, PIC-11 vẫn đứng trước nhiều mối lo. Theo WB, kể từ năm 2022 đến nay, phần lớn các quốc đảo Thái Bình Dương giảm bớt được áp lực nợ công, song vẫn đối mặt nguy cơ khủng hoảng nợ. Lạm phát dự kiến sẽ giảm đáng kể từ mức 6,8% năm 2023 xuống còn 4% năm 2024.

Tuy nhiên, lạm phát vẫn khiến người dân phải chịu gánh nặng chi tiêu, nhất là cho các mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, WB dự đoán rằng, tăng trưởng trong lĩnh vực đầu tư sẽ trì trệ ở khoảng 1% hằng năm trong giai đoạn 2020-2029, thấp hơn so mức 4,2% trong 10 năm trước đó.

Các chuyên gia của WB nhận định, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng và đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 giảm tốc, thách thức về cơ cấu nền kinh tế, đầu tư hạn chế và những tác động của biến đổi khí hậu là những nguyên nhân chính kìm hãm sự tăng trưởng của các quốc đảo Thái Bình Dương.

Với dự trữ tài chính hạn chế, các nền kinh tế dễ bị tổn thương này thường phải vật lộn trong việc ứng phó các cú sốc kinh tế. Chỉ riêng thiên tai khiến các nước này ước tính thiệt hại khoảng 1,5% GDP mỗi năm. Tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) diễn ra ở Tonga tháng 8 vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mực nước biển ở khu vực này dâng cao với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Các quốc đảo Thái Bình Dương đang ở tuyến đầu của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là điều được nêu bật không chỉ tại hội nghị vừa qua.

Đưa ra khuyến nghị cho các quốc đảo Thái Bình Dương, WB cho rằng, các nước này nên tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực có nhiều tiềm năng, như nông nghiệp, du lịch bền vững và kinh tế xanh, qua đó tạo thêm việc làm và bảo đảm sinh kế cho người dân.

Theo WB, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và dự trữ tài chính sẽ rất cần thiết đối với nỗ lực ứng phó những cú sốc trong tương lai. Cải thiện môi trường pháp lý cũng cần được chú trọng để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.

Đối với các quốc đảo Thái Bình Dương, các nguồn tài chính quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động thương mại, đầu tư, khắc phục hậu quả thiên tai và hỗ trợ nhân đạo. Trong chuyến thăm Fiji và có cuộc gặp lãnh đạo một số quốc đảo tháng 9 vừa qua, Chủ tịch WB Ajay Banga thông báo về một dự án trị giá 68 triệu USD nhằm ngăn ngừa nguy cơ các nước này mất liên kết với hệ thống tài chính toàn cầu. Theo đó, bảy quốc đảo ở Thái Bình Dương sẽ nhận được khoản tài trợ nhằm duy trì các giao dịch xuyên biên giới kể cả khi các ngân hàng quốc tế rời đi.

Như Giám đốc Quốc gia WB tại các quốc đảo Thái Bình Dương Stephen Ndegwa nhận định, nền kinh tế khu vực phải đối mặt những thách thức ngày càng gia tăng, song cũng có cơ hội để chuyển đổi. Bằng việc tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, các quốc đảo Thái Bình Dương có thể khơi thông tiềm năng của nền kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu trước những tác động của biến đổi khí hậu.