Trong năm qua, Chính quyền Tổng thống Biden có nhiều động thái mạnh mẽ nhằm khẳng định cam kết mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đảo quốc Thái Bình Dương. Tại Hội nghị cấp cao Mỹ-PIF lần đầu tại Washington tháng 9/2022, Mỹ tuyên bố sẽ đầu tư hơn 810 triệu USD vào nhiều chương trình hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương. Sau đó, Mỹ lần lượt mở đại sứ quán tại Quần đảo Solomon và Tonga.
Ngay trước Hội nghị cấp cao vừa qua, Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Quần đảo Cook và Niue. Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown hoan nghênh quyết định này và cho đây là một cột mốc mới giữa hai bên. Nhấn mạnh mối quan hệ lâu dài giữa Mỹ và Quần đảo Cook, Tổng thống Biden khẳng định, việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác, giúp hai bên cùng giải quyết những thách thức mà người dân phải đối mặt.
Tại Hội nghị cấp cao ở Nhà trắng vừa qua, Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ cam kết hợp tác với các thành viên PIF nhằm bảo đảm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và an toàn. Tổng thống Biden cho biết sẽ thúc đẩy Quốc hội Mỹ chấp thuận việc cung cấp thêm 200 triệu USD hỗ trợ các dự án trong khu vực nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, chống đánh bắt cá trái phép, cải thiện y tế công... Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đe dọa nhiều quốc gia vùng trũng ở khu vực, Tổng thống Mỹ cũng khẳng định sẽ kêu gọi hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương.
Mỹ cam kết hợp tác với các thành viên PIF nhằm bảo đảm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và an toàn.
Tổng thống Biden
Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown, Chủ tịch PIF, cho rằng, hội nghị lần này là cơ hội để các đảo quốc Thái Bình Dương và Mỹ thúc đẩy quan hệ đối tác vì thịnh vượng của khu vực. Ông Mark Brown cũng kêu gọi Washington tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo PIF lần thứ 52 ở cấp cao nhất. Đây là hội nghị mà Quần đảo Cook sẽ chủ trì vào tháng 11 tới nhằm thông qua Chiến lược 2050 của diễn đàn. Nếu không phải vì cuộc khủng hoảng trần nợ công, ông Biden đã tới Papua New Guinea để gặp lãnh đạo các nước thành viên PIF vào tháng 5 vừa qua. Vì đã lỡ kế hoạch này, Tổng thống Mỹ có thể sẽ tới Quần đảo Cook vào cuối năm nay nhằm tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Washington với các đảo quốc Thái Bình Dương.
Sau Hội nghị cấp cao Mỹ-PIF vừa qua, các nhà lãnh đạo thông qua tuyên bố nhằm khẳng định lại sự ủng hộ đối với mối quan hệ đối tác giữa hai bên được đưa ra tại Hội nghị cấp cao đầu tiên, trong đó nhấn mạnh tầm nhìn chung về một khu vực Thái Bình Dương kiên cường, hòa bình, an toàn và thịnh vượng. Các ưu tiên hợp tác giữa hai bên cũng được nêu rõ trong tuyên bố, như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, hợp tác nghề cá…
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương nhất trí tiếp tục tìm kiếm các cơ hội hợp tác về thương mại và đầu tư. Nhận thức rõ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng chống chịu, cũng như năng lực ứng phó thiên tai của khu vực. Phát triển lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau cũng là nội dung hợp tác được nêu trong tuyên bố. Bên cạnh đó, hai bên sẽ đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm an ninh y tế, giúp người dân trong khu vực sống khỏe mạnh hơn.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và duy trì mối quan hệ đối tác, trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo, Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương nhất trí tổ chức hội nghị cấp cao tiếp theo vào năm 2025 và sau đó tổ chức định kỳ hai năm một lần. Đây là cơ hội để hai bên tiếp tục thực hiện cam kết biến tầm nhìn chung thành hành động nhằm bảo đảm sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực.