Quý I/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh mới đạt 4% so với kế hoạch được giao. Có đến 25/61 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân 0%, cụ thể là UBND các Quận 4, 7, 8, Tân Phú,... Các sở chủ chốt trong công tác này như Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ đạt 0%. Chưa kể có 5/61 chủ đầu tư giải ngân vỏn vẹn 1%; 14/61 đơn vị giải ngân chỉ từ 2-6%.
Lãnh đạo thành phố sốt ruột. Ngay từ năm 2022, hàng loạt giải pháp đã được thành phố đưa ra như chỉ mặt đặt tên những đơn vị, những dự án có tỷ lệ vốn giải ngân thấp; thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để từ đó có nhiều biện pháp chấn chỉnh… Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố cải thiện chưa được bao nhiêu.
Thậm chí, căn bệnh này còn đang có biểu hiện nặng hơn với hàng loạt dự án trọng điểm, hàng loạt địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0. Khó chấp nhận được tình trạng xây dựng bệnh viện lại không có đường đi cho người dân (dự án Bệnh viện đa khoa huyện Củ Chi); thi công xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch thành phố không đúng theo hợp đồng dẫn đến các gói thầu khác không thể phối hợp để hoàn thiện công trình; dự án Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dừng triển khai vì vướng mặt bằng vài hộ dân… tất cả những bất cập nêu trên, dù nhỏ hay lớn cũng đang là lý do khiến tỷ lệ vốn giải ngân đầu tư công tại dự án chậm và thấp.
Nguyên nhân là chúng ta chưa gắn trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu vào việc này. Thay vì chỉ phê bình hay điều chuyển vốn từ những dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang những dự án có tỷ lệ giải ngân cao, thành phố cần thí điểm những biện pháp mạnh tay hơn là điều chuyển công tác những người đứng đầu; thay những người đủng đỉnh, sợ trách nhiệm bằng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
GDP quý I của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,7%, cách mục tiêu từ 7,5 đến 8% rất xa. Ðể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng, các quý còn lại, GDP của thành phố phải có mức tăng trưởng nhảy vọt. Ðây là một áp lực rất lớn, đòi hỏi bộ máy chính quyền từ thành phố đến các quận, huyện phải vào cuộc với tâm thế chạy đua; trong đó, giải ngân vốn đầu tư công được xem đầu tàu, là yếu tố tiên quyết để kích cầu tăng trưởng. Chẳng vậy mà đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm, mục tiêu xa hơn là để lắng nghe, tâm tư nguyện vọng và hiểu được những khó khăn của cán bộ cấp dưới, từ đó có những chia sẻ, động viên.
Tuy nhiên, muốn thành phố tăng trưởng nhanh, mạnh, đột phá, không chỉ cần nỗ lực của những cá nhân cụ thể mà phải cả bộ máy. Ðể giải ngân được 70.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được phân bổ, đòi hỏi cả bộ máy công quyền thành phố phải cùng vào cuộc, cùng chia sẻ trách nhiệm với người đứng đầu thành phố. Ðã đến lúc, Thành phố Hồ Chí Minh không thể xuê xoa với tình trạng trên nóng dưới lạnh, phải quyết liệt với tinh thần “ai không làm thì đứng sang một bên” mà Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh nhiều lần.