Cuối tháng 3/2023, Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố có buổi giám sát tiến độ thi công các công trình trọng điểm sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Tại buổi giám sát, khi phát hiện ba công trình cầu: Nam Lý, Ông Nhiêu và Tăng Long thi công chậm do không có mặt bằng, ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố đã yêu cầu Ban bồi thường giải phóng mặt bằng của thành phố Thủ Đức phải báo cáo chính xác, cam kết ngày bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Từ yêu cầu này, lãnh đạo thành phố Thủ Đức cam kết sẽ nỗ lực bàn giao mặt bằng cuối tháng 3 nhằm hoàn thành công trình vào tháng 9/2023.
Còn nhớ, tháng 4/2022, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã dừng buổi giám sát về kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và một số chế độ chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.
Lý do dừng buổi giám sát vì báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chưa hợp lệ (chỉ là dự thảo báo cáo) và thành phần tham dự không đầy đủ (Sở Y tế và Sở Tài chính không cử lãnh đạo đến dự).
Sau đó, Hội đồng nhân dân thành phố đã tổ chức lại hoạt động giám sát này và đã phát hiện nhiều thiếu sót về kinh phí trong hỗ trợ người bị tác động bởi đại dịch Covid-19 và yêu cầu đơn vị này phải nhanh chóng chấn chỉnh. Theo ông Bình, Hội đồng nhân dân thành phố luôn coi hoạt động giám sát là “mũi nhọn” để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Không chỉ chú trọng hoạt động giám sát, để thực hiện tốt vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đã ký kết quy chế phối hợp với Ủy ban nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh để linh hoạt trong tiếp xúc, tuyên truyền vận động, đối thoại với người dân và doanh nghiệp, tổ chức gặp gỡ đối thoại giữa chủ tịch ủy ban nhân dân 16 quận, 249 phường với người dân, doanh nghiệp; tổ chức tiếp nhận ý kiến cử tri qua tổng đài 1022; chương trình “Dân hỏi Thành phố trả lời” và nhiều hoạt động khác...
Đánh giá cao về hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiệu ứng tích cực nhất của hoạt động Hội đồng nhân dân chính là “xu hướng chỉ trích lẫn nhau” vì lợi ích chung, nói việc, không nói người.
Trong hoạt động của Hội đồng nhân dân, quan trọng không phải là tiếp xúc cử tri được bao nhiêu cuộc mà hệ thống chính quyền có lắng nghe cử tri nói, giải quyết các vấn đề cử tri đặt ra hay không.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, thời gian tới, ngay khi thành phố có các dự án, kế hoạch, chủ trương mới trên địa bàn thì Hội đồng nhân dân cần bổ sung ngay chương trình giám sát. Giám sát ra sao để thúc giục những đơn vị, cá nhân triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, tránh sai sót tiêu cực.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng nhân dân thành phố xác định: Tập trung thực hiện đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố gắn với thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giải trình, chất vấn về kết quả triển khai các nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành; những nội dung trả lời kiến nghị cử tri qua các năm, các kỳ họp; việc giải quyết kiến nghị sau giám sát nhằm đẩy nhanh tiến độ và đưa nghị quyết, kết luận của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân đi vào cuộc sống; tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân, đặc biệt là các đại biểu chuyên trách; phát huy vai trò nòng cốt của các ban và từng thành viên của ban thuộc Hội đồng nhân dân thành phố trong việc đề xuất nội dung, vấn đề cần được giải trình, chất vấn và tham gia đặt câu hỏi chất vấn, yêu cầu giải trình đối với các đơn vị, đối với người đứng đầu...