Tôn vinh những giá trị Hội thề trung hiếu

Theo các nhà khoa học, toàn miền bắc hiện chỉ có hai Hội thề, một là Lễ hội Minh thệ ở Hải Phòng, hai là Hội thề trung hiếu ở đền Ðồng Cổ (quận Tây Hồ, Hà Nội). Trong đó, Hội thề trung hiếu do Vua Lý Thái Tông lập ra để củng cố vương quyền, củng cố sự đồng thuận tướng lĩnh để xây dựng đất nước. Sang thời Trần, Hội thề còn đề cao sự trong sạch của người làm quan. Bởi thế, nhiều nhà khoa học đề xuất phải có biện pháp để lan tỏa những giá trị của Hội thề trung hiếu đền Ðồng Cổ.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch tham quan đền Ðồng Cổ.
Khách du lịch tham quan đền Ðồng Cổ.

Cứ đến ngày mồng 4 tháng 4 (âm lịch) hằng năm, chính quyền và nhân dân làng Ðông Xã, phường Bưởi, quận Tây Hồ lại nô nức đến với Hội thề trung hiếu tại đền Ðồng Cổ (phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), nơi thờ thần Ðồng Cổ (tức thần Trống đồng). Trong đó, quan trọng nhất là việc đọc lời thề: "Làm con bất hiếu/Làm tôi bất trung/Thần minh tru diệt". Lễ hội có lịch sử gần 1.000 năm, nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của tục thờ Trống đồng và lễ hội.

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: "Hội thề trung hiếu do một vị vua anh minh bậc nhất trong lịch sử lập ra, tổ chức lần đầu vào năm 1028. Theo sử sách, thần Trống đồng là người đã hai lần báo mộng cho Vua Lý Thái Tông để đánh thắng quân Chiêm Thành và dẹp loạn tiếm ngôi của các Hoàng tử sau khi Vua Lý Thái Tổ băng hà. Sau khi lên ngôi, Vua Lý Thái Tông cho tổ chức Hội thề trung hiếu ở đền Ðồng Cổ. Trăm quan đến đền Ðồng Cổ, quỳ trước thần Ðồng Cổ và đọc lời thề. Hội thề vừa được tổ chức trong cung, vừa tổ chức ở đền. Ðây là một Hội thề cấp quốc gia, do vua chủ trì và cũng là Hội thề quốc dân, vì người dân kinh thành nô nức đi xem".

Giải thích vì sao dân gian lại thờ thần Trống đồng, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho biết: "Trống đồng không phải một nhạc cụ theo cách hiểu sau này. Các hoa văn trên trống đồng thể hiện mô hình vũ trụ của người Việt cổ. Ðó là vũ trụ gồm ba tầng, bốn thế giới. Thời xưa, ai đúc được trống đồng, đúc được mô hình vũ trụ là thủ lĩnh tối cao, là chủ đất nước. Thời Ðông Sơn, mô hình vũ trụ của trống đồng tượng trưng cho quyền lực. Vua Lý Thái Tông đã sử dụng rất khéo léo ý nghĩa này để đưa vào Hội thề. Sang thời Trần, Hội thề có một chút thay đổi, câu thề trở thành: "Làm tôi hết lòng trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, Thần minh giết chết". Tôi nghĩ rằng, lời thề này rất có ý nghĩa trong bối cảnh xã hội hiện nay".

Hội thề trung hiếu là lễ hội cấp quốc gia, sau này được dân gian hóa, do làng, xã tổ chức. Hiện nay, Hội thề được mở đầu bằng lễ dâng hương của 25 dòng họ thuộc làng Ðông Xã. Sau khi ôn lại lịch sử đền Ðồng Cổ, lễ thề trung hiếu được thực hiện với sự tôn nghiêm và trang trọng. 100 người đại diện cho nhân dân làng Ðông Xã gồm các đoàn thể: đội tế nam quan, người cao tuổi, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên đứng trang nghiêm trước Thần vị. Người chủ thề hô vang: "Làm con bất hiếu/ Làm tôi bất trung/ Thần minh tru diệt" 100 người cùng giơ tay hô vang "Xin thề" ba lần.

Theo nhiều nhà khoa học, nước ta có hàng nghìn lễ hội, nhưng có rất ít Hội thề đề cao giá trị "trung hiếu" và "trong sạch", do đó, cần phải có biện pháp để bảo tồn, phát huy giá trị một cách thích hợp. Phó Giáo sư Trần Ðức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: "Những giá trị như trung hiếu và trong sạch, công tâm thì thời nào cũng cần. Vậy chúng ta nên khôi phục thế nào để lan tỏa được những giá trị này? Việc đầu tiên theo tôi là cần phải định danh chính thức, đề nghị ghi Hội thề trung hiếu vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, từ đó có những bước tiếp theo trong bảo tồn, phát huy giá trị".

Việc tổ chức Hội thề trung hiếu là lễ hội cấp quốc gia là rất khó, nhưng nhiều nhà khoa học đều đề xuất phải có biện pháp để lan tỏa những giá trị của Hội thề trung hiếu đền Ðồng Cổ. Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chia sẻ: "Hội thề có bối cảnh lịch sử đặc biệt. Chúng ta không quay trở lại được thời xa xưa ấy, cũng như không nên "diễn" lại hội xưa. Nhưng chúng ta có thể tiếp nhận, tạo ra những giá trị mới, trong đó, điều quan trọng là giá trị trao truyền trong cộng đồng. Tôi cho rằng trước hết cần kết nối không gian đền Ðồng Cổ với các di tích khác trong khu vực. Chúng ta nên đưa học sinh đến để dạy cho các em việc giữ lời hứa trong cuộc sống hôm nay". Một số nhà khoa học cũng đề xuất, trước mắt quận Tây Hồ có thể mở rộng Hội thề, với sự tham gia của các phường trên địa bàn để lan tỏa những giá trị của Hội thề. Bên cạnh đó, hiện nay, đền Ðồng Cổ đã bị thu hẹp rất nhiều so với xưa kia. Với một Hội thề đặc biệt như thế, nhiều nhà nghiên cứu cũng đề xuất phải tìm lại không gian di tích xưa. Qua đó, có thể phát huy tốt hơn giá trị Hội thề trung hiếu ■