Đây là sự ghi nhận, động viên, khuyến khích của thành phố dành cho các nghệ nhân, thợ giỏi, cũng là động lực để các nghệ nhân góp phần gìn giữ, bảo tồn làng nghề truyền thống phát triển.
Trong khi nhiều người ở làng gốm Bát Tràng đã chuyển sang sản xuất đại trà số lượng lớn, thì anh Bùi Thanh Tùng (ở Thôn 2 Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) lại đam mê, tâm huyết với dòng gốm mộc vuốt tay độc bản. Mỗi tác phẩm mà anh làm ra đều là kết quả của sự sáng tạo, tìm tòi và có hồn cốt riêng.
Anh Tùng cho biết, để theo đuổi dòng gốm này, anh phải vượt qua nhiều khó khăn, nhất là phải cạnh tranh với những sản phẩm sản xuất đại trà có giá rẻ hơn. Nhưng với mong muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của làng nghề, anh vẫn gắn bó với chiếc bàn xoay thủ công, tỉ mỉ sáng tạo từng sản phẩm.
Cũng giống anh Bùi Thanh Tùng, những người con của làng rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) như anh Lê Xuân Đức, chị Đỗ Thị Tuyến, anh Đỗ Thanh Chiến... một lòng tâm huyết với nghề truyền thống nơi đây.
Các sản phẩm, tác phẩm họ sáng chế như rìu đẽo gỗ, tay cầm gõ cửa, các loại dao, kéo... đều có giá trị sử dụng và kỹ thuật cao. Nhiều sản phẩm gia công phục chế đồ sắt cổ và giả cổ còn có tính thẩm mỹ cao, được đông đảo khách hàng trong và ngoài nước đặt hàng.
Nhờ tình yêu nghề và sự nỗ lực, tâm huyết, các cá nhân nói trên mới đây đã được chọn vào danh sách 42 người được thành phố công nhận là Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ.
Các nghệ nhân khác đều là đại diện tiêu biểu của nhiều ngành, nghề truyền thống, như nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ, điêu khắc kính và rèn, điêu khắc đá, dệt lụa, đan mây tre, sơn mài, thêu tay, mỹ nghệ...
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố Hà Nội có tổng số 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó, có 319 làng được công nhận là làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội.
Để bảo tồn và phát triển làng nghề đạt kết quả như hiện nay, công lớn thuộc về các nghệ nhân. Các hội, hiệp hội, làng nghề cũng như các cá nhân làm nghề hết sức quan tâm đến tiêu chuẩn xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân để tích lũy thành tích.
Trải qua 15 năm với bảy lần xét tặng, thành phố đã xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội cho 290 người trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.
“Việc xét và trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đã tạo động lực to lớn đối với các cá nhân làm nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn thành phố, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề” - lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội đánh giá.
Theo quy định, các cá nhân sau khi được phong tặng Nghệ nhân Hà Nội sẽ được thành phố cấp Bằng chứng nhận “Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ”, được hưởng các quyền lợi như được tổ chức truyền, dạy nghề trực tiếp và thu tiền học phí của các học viên, được miễn các loại thuế trong hoạt động truyền và dạy nghề, thuế thu nhập khi chuyển nhượng mẫu mã sáng tác cho đơn vị, cá nhân sản xuất.
Các nghệ nhân còn được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn trong nước theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; được hỗ trợ kinh phí thực hiện các đề án đào tạo nghề, truyền nghề, hoạt động nghiên cứu, thiết kế cải tiến mẫu mã sản phẩm, đổi mới công nghệ.
Cùng với đó, các nghệ nhân được tham gia trưng bày giới thiệu miễn phí các sản phẩm do chính nghệ nhân làm ra khi tham gia hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế theo kế hoạch phê duyệt…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, trong thời gian tới, Sở Công thương Hà Nội tiếp tục xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao kiến thức kỹ thuật, mỹ thuật cho các nghệ nhân, tổ chức các cuộc thi thợ giỏi để lựa chọn, gây dựng lớp nghệ nhân kế cận; đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội chợ, triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm phát triển mẫu mã sản phẩm cho các nghệ nhân làng nghề.
Cùng với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đẩy mạnh tuyên truyền công tác phát triển Nghệ nhân Hà Nội làm nòng cốt để phát triển làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống.
Riêng với các nghệ nhân, cần tích cực tham gia đào tạo, truyền nghề, phát triển nghề và nghiên cứu cải tiến mẫu mã sản phẩm, đầu tư công nghệ sản xuất mới, từ đó đưa ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.