Tổ chức lễ hội văn minh, an toàn và tiết kiệm

Theo thông lệ hằng năm, những ngày đầu xuân cũng là thời điểm bắt đầu mùa lễ hội. Trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.206 lễ hội các loại. Riêng trong ngày 15/2 (mồng 6 Tết) là ngày khai hội của nhiều lễ hội lớn, như lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh)…
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn văn nghệ tại lễ khai hội chùa Hương vào sáng 15/2.
Biểu diễn văn nghệ tại lễ khai hội chùa Hương vào sáng 15/2.

Việc tổ chức các lễ hội năm nay có nhiều chuyển biến theo hướng ngày càng văn minh, tạo thuận lợi, thoải mái cho du khách, bớt phiền hà, lộn xộn so với những năm trước. Theo Trưởng ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, nét mới của lễ hội chùa Hương năm nay là hệ thống thuyền đò chở khách đi lễ sẽ do Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương quản lý, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), việc này sẽ hạn chế tình trạng người dân chèo kéo, vòi vĩnh khách. Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử, đưa vào hoạt động các tuyến xe điện phục vụ du khách theo ba tuyến đường. Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn đã bố trí 200 người thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và tuyên truyền người dân và du khách đi lễ văn minh. Trong buổi sáng khai hội có hàng nghìn người đi tham quan, hành hương, nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc, quá tải. Các hoạt động diễn ra thuận lợi, an toàn, ngăn nắp. Giá các dịch vụ được niêm yết công khai, không có hiện tượng nâng giá, “chặt chém” du khách. Tối 15/2, tại lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), những người tham gia lễ hội được thưởng thức chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc theo công nghệ 3D mapping hiện đại với tên gọi “Âm vang Mê Linh”, đây là chương trình nghệ thuật bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai nữ anh hùng dân tộc cùng các tướng lĩnh tham gia cuộc khởi nghĩa, giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40.

Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước khi khai hội, cho nên đến thời điểm này các lễ hội trên địa bàn Thủ đô diễn ra văn minh, trật tự hơn. Tuy nhiên, mùa lễ hội kéo dài, có lễ hội như lễ hội chùa Hương kéo dài ba tháng mùa xuân, dẫn tới dễ phát sinh các tiêu cực. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước về lễ hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm của dân và du khách trong việc thực hiện nghiêm nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ, Quy định của Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chính quyền các địa bàn có tổ chức lễ hội cần tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường. Địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, nhất là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc ■