Kinh tế 9 tháng năm 2024 đạt mức tăng trưởng tích cực 6,82%, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)
Kinh tế 9 tháng năm 2024 đạt mức tăng trưởng tích cực 6,82%, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2024: Kết quả tích cực giữa khó khăn và thách thức

Trong bối cảnh tình hình kinh tế và chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp và gây ra hậu quả nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 6,82%. Thành công này không chỉ thể hiện sự kiên cường và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, mà còn là minh chứng cho sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự điều hành quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân cả nước.

Kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất công nghiệp tăng trưởng

Trong điều kiện thiên tai gây thiệt hại lớn, các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp với tình hình thực tế.

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 ước tính tăng 7,40% so với cùng kỳ năm trước.

Về sử dụng GDP quý III/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 59,78% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 7,08%, đóng góp 39,03%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,84%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 1,19%.

GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.

Tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2024: Kết quả tích cực giữa khó khăn và thách thức ảnh 1

Nguồn: GSO, Đồ họa: TRUNG HƯNG

Ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù bị thiệt hại nặng nề do bão lụt, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Điều này cho thấy sức mạnh nội tại của nền kinh tế và sự phối hợp nhịp nhàng trong quá trình điều hành giữa các cấp chính quyền với các doanh nghiệp và người dân.

Xuất khẩu hàng hóa cũng tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, bất chấp những biến động trên thị trường quốc tế.

Đồng thời, ngành du lịch ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Những thành tựu này đã góp phần giữ vững sự ổn định của nền kinh tế trong giai đoạn đầy thách thức.

Thách thức và mục tiêu tăng trưởng cho quý IV/2024

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, bước sang quý IV/2024, kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do độ mở lớn của nền kinh tế, chịu nhiều tác động từ rủi ro, bất ổn trên toàn cầu, bao gồm các vấn đề về kinh tế, địa chính trị, thiên tai, dịch bệnh…

Trong bối cảnh này, mục tiêu tăng trưởng từ 6,8% đến 7% trong cả năm 2024 là một thách thức lớn. Điều này đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.

Theo bà Hương, để đạt được mục tiêu này, các cấp, các ngành cần phải tăng cường dự báo, điều hành linh hoạt, kịp thời ứng phó với mọi tình huống phát sinh. Quan trọng nhất là kiên định thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, đi đôi với việc ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tối đa cho khu vực doanh nghiệp.

Trên bình diện đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất các giải pháp trọng tâm, được xem như những trụ cột vững chắc cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo đó, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa và không để xảy ra tình trạng khan hiếm, đặc biệt tại các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, phát triển thị trường trong nước. Các chương trình xúc tiến thương mại cần được thực hiện hiệu quả, cùng với việc khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, cần tập trung các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tối đa thị trường quốc tế. Các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu cần được triển khai mạnh mẽ, nhằm tháo gỡ các rào cản và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Các bộ, ngành và địa phương cũng cần quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công, tập trung thi công các dự án quan trọng quốc gia, nhất là hạ tầng giao thông, đồng thời thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, đi đôi với việc đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và liên kết với các doanh nghiệp trong nước.

Cần tăng cường năng lực dự báo và cảnh báo thiên tai để triển khai các giải pháp phòng, chống kịp thời và phù hợp. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường sau thiên tai cũng là một nhiệm vụ cấp thiết, nhằm ổn định đời sống người dân.

Cuối cùng, yếu tố then chốt là cần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; phát huy vai trò người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn; công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số…

back to top