Tín hiệu vui từ chính sách thu hút người tài

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn của cả nước. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, việc thu hút người tài, chuyên gia hàng đầu luôn là vấn đề được thành phố quan tâm, chú trọng. Vận dụng các chính sách, thành phố đã và đang có nhiều cách làm hiệu quả trong vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00

Cuối tháng 1/2023, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố thành lập Trung tâm chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông. Trung tâm có chức năng thực hiện các nhiệm vụ về triển khai, thực thi các chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số, đô thị thông minh; cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị,... Thành phố cũng giao trung tâm phải tổ chức được những chương trình, dự án và tuyển dụng chuyên gia, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có tài về làm chủ nhiệm dự án. Những người tài này có thể được trả lương 120 triệu đồng/tháng cùng nhiều chính sách khác. Giữa tháng 1 vừa qua, lần đầu, Thành phố Hồ Chí Minh tuyển dụng thành công ba viên chức từ chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để về đảm nhận công tác tại các đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước của thành phố.

Hai trong số nhiều cách làm mới đây cho thấy, chính sách thu hút người tài của Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực. Đáng nói là, trước đó, trong suốt 5 năm, dù đã ban hành các chính sách thu hút người tài nhưng thành phố không tuyển được người giỏi, từ sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đến các chuyên gia, nhà khoa học... Một số ít khi nhận lời “đầu quân” cho các đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước cũng đã rời đi một thời gian sau đó vì nhiều lý do khác nhau. Theo các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ rất nhiều chuyên gia chất lượng cao, nhưng những năm qua, thành phố vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, cùng với đó là cách tiếp cận trong thu hút người tài đã không còn phù hợp thực tiễn cuộc sống. Trong đó, môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ là những vấn đề cốt lõi nhất mà các chuyên gia, người tài chú trọng nhất khi nhận lời làm việc. Có thể thấy, tuyển được người giỏi đã khó nhưng giữ được lại càng khó hơn. Cơ chế thu hút ban đầu dù ưu đãi vượt trội nhưng cơ chế sử dụng, quản lý hiện nay không vượt trội, thậm chí có nguy cơ mai một nhân lực.

Nguồn nhân lực và môi trường làm việc sẽ tương ứng với tốc độ phát triển của xã hội. Và để có được điều kiện cần và đủ đó, thành phố cần xem lao động chuyên môn trong khu vực công là lao động thị trường, tránh tư duy quản lý, sử dụng công chức theo lối truyền thống. Ngoài ra, thành phố cần nghiên cứu xây dựng cơ chế thu hút hợp lý theo từng địa phương, không cào bằng, đánh đồng giữa các địa phương, đơn vị, từ đó trao cho các đơn vị, địa phương quyền tự chủ trong chính sách tuyển dụng, thu hút, sử dụng, quản lý nhân lực vượt trội phù hợp nhu cầu, tình hình.

Cần nhìn nhận thực tế rằng, việc thu hút người tài chính là thu hút “chất xám” nên trong từng môi trường cụ thể cần tạo điều kiện để mỗi người tài, chuyên gia có “đất dụng võ”. Nếu việc quản lý, sử dụng mang tính rập khuôn, cào bằng thì rất khó phát huy được tiềm năng, trình độ của họ nhằm phục vụ sự phát triển chung của đơn vị. Tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, môi trường mở cũng là điều kiện lý tưởng để nhân tài yên tâm làm việc, cống hiến bởi chỉ ở trong môi trường đó họ mới phát huy hết được các kiến thức, tài năng của mình ■