Đọc tục ngữ Việt Nam, không ít phen chúng ta sẽ phải “ngớ” người ra trước sự linh hoạt tại mọi hoàn cảnh trong thái độ ứng xử của người Việt. Hãy thử đặt câu “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” (hoặc câu “Họ chín đời còn hơn người dưng”) bên cạnh câu “Bán anh em xa mua láng giếng gần”; đặt câu “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào” bên cạnh câu “Đời trước đắp nấm, đời sau ấm mồ”; câu “Hàng xóm tối lửa tắt đèn” bên cạnh câu “Cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”...
Có thể “lẩy” ra vô số thí dụ như vậy từ kho tàng tục ngữ Việt Nam, nhất là ở mảng về quan hệ gia đình - xã hội. Đến mức thậm chí có thể khẳng định: ở mảng tục ngữ này, nếu có một câu mang ý nghĩa A, thế nào cũng phải có một câu mang ý nghĩa - A, như cực đối lập không thể thiếu của A! Điều này có nhiều khả năng sẽ đưa đến việc nếu muốn tìm ở tục ngữ một chỉ dẫn hoặc một niềm tin xác quyết nào đó cho hành vi ứng xử của mình trong đời sống, có thể ta sẽ hoang mang. Vậy, đâu là bí mật ở đây?
Bí mật, có lẽ nằm trong kiểu tư duy “mềm”, tư duy với biên độ co giãn cao của người Việt. Kiểu tư duy này không cần biết đến nguyên tắc “dĩ nhất quán chi” (lấy một cái mà bao trùm tất cả) mà đức Khổng Tử đã dạy, và nó càng không quan tâm đến tính hệ thống, tính logic chặt chẽ như kiểu tư duy khách quan lạnh lùng của triết học phương Tây. Diễn đạt cho dễ hiểu: chân lý chỉ có một, đã là chân lý thì trong trường hợp nào cũng đúng, nhưng chúng ta, những người Việt, ưa thích sự đồng tồn tại của nhiều chân lý khác nhau. Để, trong những khoảng thời gian khác nhau, những chân lý khác nhau ấy - về cùng một đối tượng - sẽ được lấy ra và sử dụng cho phù hợp với những mục đích cụ thể khác nhau của chúng ta. Hãy thử hình dung: một người đang gặp khó khăn, về tiền bạc chẳng hạn, nếu anh ta được một người bà con xa giúp đỡ, câu “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” vận dụng vào hoàn cảnh này sẽ là một thực tế, nhưng nếu người giúp anh ta là người hàng xóm không có quan hệ máu mủ ruột rà gì, thì không gì hợp cảnh hơn câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần”.
Tục ngữ Việt Nam có khá nhiều câu “xui” người ta: “Trâu chậm uống nước đục”, “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, “Ăn sau là đầu quét dọn”... Mang vẻ khách quan đến mức gần như “trong suốt” - nghĩa là chỉ nêu hiện tượng, không bình luận - thế nhưng chúng lại bày ra trước mắt người đọc một thứ quan hệ nhân quả rất sòng phẳng, rất logic: nếu anh chỉ làm thế này, thì anh sẽ nhận được chỉ thế này. Nếu không nhanh tay, anh sẽ chỉ nhận được phần thiệt về mình. Bằng “khôn ngoan” ra, biết đi trước, anh sẽ hưởng lợi.
Còn có những biến thể khác, in dấu trong tục ngữ. Thí dụ: nếu không nhanh tay để hưởng sự thuận lợi được, thì ít ra, anh cũng phải biết cách giảm thiểu rủi ro cho mình, bằng việc “tạm” tránh đương đầu với những khó khăn, quay lưng lại hoặc biết cách đi đường vòng trước những thách thức: “Một sự nhịn, chín sự lành”, “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”... Hoặc: anh cần phải biết cách nắm cho chặt, giữ cho chắc quyền lợi của mình, của gia đình mình, của cộng đồng mình: “Ăn cây nào rào cây ấy”, “Lệnh làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”...
Từ kho tàng tục ngữ của người Việt, nói chung, có thể đọc ra khá nhiều nét trội trong tính cách của người Việt được “găm” vào đó. Nó vẫn vậy, tươi rói, sống động trong lối suy nghĩ, lối ứng xử của người Việt ngày hôm nay.