Cải thiện cuộc sống người bệnh
Hằng ngày, nhóm Nghiên cứu tế bào (TB) miễn dịch tự thân trong điều trị ung thư của Trung tâm nghiên cứu Gen - Protein Trường ĐH Y Hà Nội thường xuyên nhận điện thoại của các bệnh nhân (BN) ung thư đăng ký được điều trị theo phương pháp mới, dựa trên cơ chế của hai nhà khoa học vừa đoạt giải Nobel Y học 2018. Từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện (BV) ĐH Y Hà Nội, 20 BN được thử nghiệm theo liệu pháp này.
BN Đỗ Tiến H (30 tuổi) ở Hà Nội phát hiện mắc ung thư vòm họng giai đoạn ba từ năm 2015, đã hóa xạ trị nhiều lần tại BV Bạch Mai. Giữa năm 2017, bệnh tái phát và khối u di căn vào cột sống, phải mổ cột sống và tiếp tục hóa xạ trị. Tháng 9-2018, anh Hải được giới thiệu sang BV ĐH Y Hà Nội điều trị liệu pháp TB miễn dịch tự thân, ức chế TB ung thư trong vòng ba tháng với sáu liệu trình. Tình trạng bệnh đã được cải thiện đáng kể.
Anh Hải cho biết, trước đây sức đề kháng kém, chỉ cần gặp mưa gió là cảm, sốt, người đau nhức nhưng nay thấy khỏe hẳn. Hiện các cơn đau không còn như trước mà chỉ ở mức độ tê. “Tôi cảm nhận thấy các TB khỏe khi được truyền vào cơ thể đã phát huy tác dụng, sức đề kháng tăng lên rõ rệt. Hy vọng là còn ba đợt truyền nữa thì sẽ không chỉ giảm đau mà còn giảm luôn cả bệnh cho mình”, anh Hải khấp khởi.
Nói đến ung thư, nhiều người liên tưởng ngay đến sự suy kiệt về tinh thần và thể chất của người bệnh, những tác dụng phụ do hóa trị và xạ trị gây ra và đặc biệt là những cơn đau đớn khủng khiếp ở giai đoạn cuối. Liệu pháp đang ứng dụng thực nghiệm tại BV ĐH Y Hà Nội đã giúp người bệnh và gia đình vượt qua được những ám ảnh đó.
Bước đột phá trong điều trị ung thư
TB miễn dịch trị liệu được coi là phương pháp tiếp cận của thế kỷ 21 trong điều trị ung thư trên thế giới. Đó là tăng cường sức đề kháng của chính người bệnh trước những tác nhân ngoại lai, bất thường, trong đó có ung thư hay các loại hình bệnh tật khác. “Mỗi ngày, trong cơ thể bình thường, có 3.000 TB bất thường sinh ra, khi sức đề kháng tốt, hệ miễn dịch nhận diện được những TB này và tiêu diệt chúng. Nhưng vì một lý do nào đó, hệ miễn dịch không nhận diện được, chỉ một TB tồn tại, vài năm sau sẽ phát triển thành những khối u”, PGS, TS Trần Huy Thinh, Phó Trưởng Bộ môn Hóa - Sinh, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Gen - Protein Trường ĐH Y Hà Nội cho biết.
Khi sinh thiết cắt lát TB ung thư, người ta thấy, TB ung thư nằm cạnh TB miễn dịch mà không bị tiêu diệt. Đã tồn tại một cơ chế “ngầm” để hai loại TB này “bắt tay” với nhau. Do vậy, cần phải “khóa” sự hợp tác này. Đây cũng chính là cơ chế của liệu pháp TB miễn dịch. GS, TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Gen - Protein là học trò xuất sắc người Việt của GS Tasuku Honju ở Nhật Bản. GS Văn cũng là người đầu tiên đưa ứng dụng đột phá điều trị ung thư của GS Honju về Việt Nam. Ông từng có ba năm (từ tháng 4-2003) làm việc tại phòng thí nghiệm (lab) của thầy Honju với tư cách một nhà khoa học, nghiên cứu sau TS tại Trường ĐH Kyoto. Khi đó, GS Honju đã là một tên tuổi lớn về lĩnh vực sinh học phân tử, có bốn phát minh đột phá tương đương bốn giải Nobel.
“Vì nhóm nghiên cứu của thầy Honju thường dấn thân vào các lĩnh vực mũi nhọn, “hot” trên thế giới như miễn dịch học, ung thư nên cường độ công việc cực kỳ căng thẳng. Cả lab như một công xưởng, không bao giờ tắt đèn. Mọi người đều ăn cơm hộp và chỉ tắm công cộng. Nơi đây, mỗi tháng đều có một bài đăng trên các tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới”, GS Văn nhớ lại.
Tại lab thầy Honju, GS Văn theo đuổi đề tài nghiên cứu về cơ chế hoạt động của gene mã hóa enzime tham gia quá trình điều hòa tổng hợp và chuyển dạng kháng thể ở người. Đó là AID có ứng dụng quan trọng trong bệnh lý ung thư, suy giảm miễn dịch và bệnh tự miễn. Công trình này đã được công bố trên tạp chí nổi tiếng thế giới Nature Immunology năm 2003 và được giới khoa học đánh giá cao.
Cơ hội ở lại nước ngoài làm việc rất lớn nhưng GS Văn vẫn quyết định trở về và thành lập Trung tâm nghiên cứu Gen - Protein Trường ĐH Y Hà Nội theo lời khuyên của thầy. Tại đây, nhóm nghiên cứu của GS Văn cùng các cộng sự ứng dụng liệu pháp TB miễn dịch của GS Honju nhưng theo hướng tiếp cận khác. Đó là trị liệu tự thân trong điều trị ung thư.
“Hai GS được giải thưởng Y học Nobel 2018 dựa trên nguyên lý hoạt hóa TB có thẩm quyền miễn dịch ngay tại khối u trên cơ thể người bệnh. Còn liệu pháp ở Trường ĐH Y Hà Nội là chúng tôi lấy TB có thẩm quyền miễn dịch trong cơ thể BN đưa ra ngoài, nhân lên và hoạt hóa bên ngoài cơ thể. Số lượng ban đầu vài triệu sau đó hoạt hóa thành hàng tỷ TB rồi lại đưa chúng vào bên trong cơ thể BN”, GS Văn phân tích.
Đây là liệu pháp mới chỉ có trên công trình khoa học mà chưa ai nghĩ đến việc triển khai. Chịu trách nhiệm về chuyên môn và chuyển giao công nghệ về Việt Nam, GS Văn mất rất nhiều công thuyết phục, giải thích để có sự đồng ý của các nhà khoa học, GS và thành viên hội đồng chuyên môn. Cùng với đó là vô vàn nút thắt về cơ sở vật chất, con người, kinh phí phục vụ nghiên cứu. Nhưng với cương vị là người mang liệu pháp này về Việt Nam, kèm theo những lợi ích tuyệt vời cho người bệnh, GS Văn đã tháo gỡ từng bước như cử cán bộ đi đào tạo, xây dựng phòng thí nghiệm chuẩn, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản. Chính ông đã giới thiệu PGS, TS Trần Huy Thịnh sang tiếp tục nghiên cứu tại lab của thầy Honju và PGS Thịnh tiếp bước là học trò xuất sắc của thầy, đã có hai công trình đăng tải trên tạp chí hàng đầu quốc tế.
Năm 2017, liệu pháp mới đã được Bộ Y tế đồng ý thử nghiệm lâm sàng trên BN tại Trường ĐH Y Hà Nội cho các BN ung thư phổi, vú, gan, dạ dày và đại tràng ở giai đoạn cuối 3B và 4. Mỗi liệu trình gồm sáu lần truyền trong ba tháng, mỗi lần cách nhau hai tuần. Kết quả ban đầu khá khả quan. BN giai đoạn cuối đều hầu như không đau và sức đề kháng tăng lên đáng kể. Nhiều BN đang sốt thì hết sốt, đang nhiễm trùng thì biểu hiện nhiễm trùng giảm, hết nhiễm trùng mặc dù BN đã phải dùng kháng sinh và không có hiệu quả. Dự kiến, sẽ có ít nhất 75 BN được thử nghiệm liệu pháp này.
Một thành tựu y học hàng đầu thế giới được ứng dụng tại Việt Nam khẳng định những nỗ lực không ngừng của các y, bác sĩ vì hạnh phúc của người bệnh. Hiện Việt Nam mỗi năm có hơn 126 nghìn ca mắc mới và gần 110 nghìn người tử vong vì ung thư. Hy vọng với phương pháp điều trị mới, những con số trên sẽ ngày càng giảm đi.
GS Tạ Thành Văn cùng GS Tasuku Honju ở Nhật Bản.