Tiếng cười như vía làng

Có lẽ chảy qua các làng mạc từ thượng nguồn đến làng tôi, sông đã đón nghe bao nhiêu tiếng hò, tiếng hát giao duyên, tiếng rì rầm kể chuyện của bao nhiêu thế hệ con người tần tảo ở hai bên bờ! Nhất là sông chắc đã nghe các câu chuyện cười, lúc dí dỏm, bông lơn, khi sâu sắc, thâm thúy… của các làng cổ có từ thời Hùng Vương dựng nước!

Minh họa: HUY MINH
Minh họa: HUY MINH

1/ Làng tôi nằm bên dòng sông Thao. Con sông mà nhiều người giải thích là vì chảy qua phủ Lâm Thao, nên có tên thế. Tôi lại thấy dòng sông đỏ mầu phù sa, uốn lượn vắt qua các cánh đồng ngô xanh mướt, những bãi mía xanh lơn, nó như dải lụa của cái quai nón mà nhiều vùng châu thổ gọi là “nón thúng quai thao…”. Khi qua Việt Trì, sông Thao nhận thêm nước của sông Đà, sông Lô nên vàng đậm lại, vừa đùn lên từng đụn phù sa hồng hào, tươi tắn!

Các “Kẻ” - Cái từ gợi sự cổ kính, gợi sự thôn dã đến nao lòng. Nào Kẻ Cánh, Kẻ Đọ, Kẻ Dăm, Kẻ Lầm, Kẻ Giang, Kẻ Mỏ… Tôi tin rằng các làng cổ ấy vẫn chứa trong lòng đầy ắp những sự tích, những nếp ăn ở… mà không phải một sớm một chiều có được! Ấy là những hồn, vía của làng. Làng Cửa Ao của tôi nằm trong dòng chảy xuôi của người Việt cổ theo dòng sông mở cõi. Làng Cửa Ao cũng chứa bao nhiêu những bí ẩn mà chỉ khi lớn khôn, tôi mới biết, mới hiểu.

2/ Ngày bé, cha tôi vẫn hay hát ru anh em tôi bằng những câu dân ca. Ngoài “Con cò bay lả bay la…” tôi ngấm vào lòng những câu vừa du dương, vừa hài hước như thế này: “Cái cò là cái cò quăm/Mày hay đánh vợ đêm nằm với ai/Có đánh thì đánh sớm mai/Chớ đánh chập tối không ai cho nằm…”. Rồi những câu về một việc rất trang nghiêm: “Hôm nay 14 mai rằm…” nhưng lại đùa cợt: “Ai muốn ăn oản lên nằm với sư…” lại nữa: “Hôm nay mười bốn mai rằm/Ai muốn ăn oản thì năng lên chùa/Lên chùa thấy tiểu mười ba/thấy sư mười bốn, vãi già mười lăm…” đầy hài hước và dí dỏm. Rồi những câu chuyện về những ông ba bị, những bà Dở, thằng Hốt, cái Chum…

Bây giờ sinh con, các cặp vợ chồng thường đặt cho con những cái tên gần gũi, đáng yêu, như con Gạo, cái Vừng, cu Tít, thằng Bin… và đi học thì có tên theo những nhà toán học, ca sĩ, cầu thủ, những người nổi tiếng… mà cha mẹ chúng kỳ vọng. Đó cũng chính là lối đặt tên có từ xa xưa của các làng cổ như chúng tôi. Xưa, trẻ hay ốm đau, thuốc thang ít và hiếm nên dân làng nào cũng đặt tên cho con những cái tên thật xấu, mong rằng như thế các con ma, con mãnh, quan ôn không bắt chúng đi. Đấy là các cái tên nghe rất buồn cười, như cu Bẹn, cái Hĩm, thằng Cò…

Thì ra, trong các làng xóm đã luôn chứa ẩn những tiếng cười. Nó là những cái tên, là những câu chuyện gần gũi với cuộc sống, nó chính là cuộc sống ngồn ngộn, tươi rói. Hơn nữa, nó không chỉ là sản phẩm của dân làng sáng tạo ra, mà nó lại được các thế hệ người làng ở khắp nơi lưu truyền, gìn giữ và làm giàu không ngừng trong cuộc sống đầy sôi động và biến chuyển…

Một cụ ở làng bảo tôi, cái hồn làng nó như nếp ăn nếp ở, như cách xúc gạo cho vay thật đầy đặn, như cách có bát canh ngon bê sang cho hàng xóm, tức là nó ẩn bên trong mỗi thành viên của làng. Còn cái vía thì nó như những câu cười, tiếng ví von hằng ngày, nó cứ lồ lộ ra đấy mà cũng thâm trầm ngấm trong mỗi con tim của người làng. Nó là tiếng cười, là lòng trắc ẩn trong mỗi câu hát, trong các câu chuyện kể…

3/ Các câu đố, câu hát, câu chuyện cười ở vùng tam giác châu thổ quê tôi không như các câu chuyện ở các làng cười vùng trung du như Bắc Giang hay Phú Thọ. Ở làng Văn Lang, Phú Thọ, các chuyện cười cơ bản phóng đại, ngoa dụ để khoe các sản vật của vùng quê ấy. Dạng như “trèo lên ngọn cây rau dền…”. Hay là “có củ sắn mọc xuyên qua đường cái quan, bẻ một góc, dắt vào cạp quần, mang về đến nhà giở ra nó bở tơi bùng bục…”. Chuyện cười ở quanh làng tôi ít khi đi theo kiểu nói lái, nói triết tự. Nó cơ bản có mấy nét như sau. Ấy là cách nói ngược. Khi người ta bảo cái này tốt, thì chuyện sẽ chê xấu, rồi dẫn dắt mọi người nhìn thấy cái xấu đó một cách hài hước. Ngược lại cũng thế!

Thủ pháp nữa là suy diễn. Nói quá lên, nối dài câu chuyện, nhưng mà vẫn có lý và ẩn ý để người nghe chấp nhận được, buột ra câu: thật mà như bịa ấy nhỉ??? Cũng có cách nữa là nôm na bằng văn vần. Dạng như: “chim khôn khôn cả cái lông, khôn đến đáy lồng, người xách cũng khôn…”, hay là: “Một giọt mủ vàng hơn cang nước cống…” biến thể của “ Một giọt máu đào hơn ao nước lã!”. Bây giờ nghe các câu văn vần: “Ông đây già tóc già râu, nhìn sang chỗ khác còn lâu mới già” hay là: “Muốn cho con của tốt tươi, phải chăm thể dục, chớ lười thể thao…” thì tôi tin là do các con dân của các làng trong hoặc quanh vùng châu thổ Bắc Bộ làm nên.

Những con dân của các làng quê vùng tôi vẫn mang các câu chuyện, các câu văn vần ấy đưa đến khắp nơi, ngoài niềm tự hào quê hương, nó còn góp phần thanh lọc cuộc sống, như phép thử trước những bất cập, thái quá; những thói hư tật xấu của con người để con người sống khỏe khoắn hơn, sáng trong hơn.