Bàn tay mê mải, nối dài tình thương...

Chúng tôi ghé vào một căn nhà treo lủng lẳng cả bầy thú nhồi bông ngộ nghĩnh. Con tôi chỉ vào trong xưởng, thốt nhiên hỏi: Bố ơi, tại sao các chị ấy lại vừa làm vừa toàn trò chuyện bằng tay hả bố. Hay là người chủ ở đây nghiêm quá, nếu họ nói chuyện thì bị phạt?

Xưởng sản xuất của Kym Việt.
Xưởng sản xuất của Kym Việt.

Đối thoại bằng tay

Tôi nhìn vào, chỉ thấy người lớn tuổi nhất ngồi trên máy may, giống như “cô chủ”. Chị cười bảo: Ở đây không có ai là chủ hết cháu à… Thế cháu có biết trò chuyện bằng tay không? Tay khéo thì nhìn được thay mắt, nói được thay miệng. Đấy là trò chơi của chúng tôi đấy…”.

Người lớn tuổi nhất trong các nhân viên đang làm việc vừa nói vui là chị Đỗ Thị Huê (sinh năm 1963). Đây là nơi sản xuất thú bông của người khuyết tật, tên là Công ty cổ phần Kym Việt (thuộc Hội Khuyết tật quận Hà Đông, Hà Nội). Hiện công ty có 23 người tham gia (18 nhân viên), thì hơn một nửa là người khuyết tật. Trong đội gia công toàn bộ là nữ, thì có chín người khiếm thính bẩm sinh (trong đó chỉ một người học nói được), hai người thiểu năng. Giám đốc Lê Việt Cường, Chủ tịch hội đồng quản trị Phạm Việt Hoài… đều bị bại liệt từ nhỏ, đi xe lăn. Có lẽ chỉ có bạn kế toán và hai họa sĩ thiết kế, một số doanh nhân tham gia cổ đông về sau là lành lặn…

Nghe chị Huê ngồi tươi cười (chắc hồi trẻ rất xinh đẹp) kể chuyện, tôi cứ nghĩ chị làm quản lý ở đây. Đến lúc chị bất chợt xê dịch từ bàn may vào trong lấy đồ, tôi mới hay chị cũng bị bại liệt đôi chân. Nhà chị ở Văn Quán, bị mắc bệnh và bại liệt từ năm ba tuổi. Lớn lên chị đi học làm may, rồi kết duyên với người thương, sinh hai con gái đều xinh đẹp bình thường. Con gái lớn đã học xong đại học và đi làm từ lâu, con thứ học lớp 11. Chị mới vào đây làm từ hai năm nay, còn Kym Việt đã ra đời lâu trước đó. Ở đây, giữa “tiểu đội” toàn người khiếm thính và không nói được, chị cũng đã học kha khá việc đối thoại “bằng tay” với các em.

Chọn sợi dài, nở bừng hạnh phúc!

Anh Việt Hoài cũng bị sốt cao rồi bại liệt hai chân khi mới hai tuổi, nhưng lớn lên, nghị lực vượt lên số phận đã thôi thúc anh học hỏi, vận động rất khéo đôi tay mà anh đùa là “được làm việc hai chi trên gấp đôi bạn bè” cùng tư duy trí óc mạnh mẽ, hài hước. Giữa năm 2013, tình duyên của người trai mãnh liệt đã khiến một nữ giảng viên Trường đại học Công đoàn ngã lòng. Tháng 9-2013, họ kết hôn. Tình duyên và thôi thúc tìm hạnh phúc khiến Việt Hoài mạnh bạo hơn nữa. Cuối năm 2013, anh cùng hai người bạn khuyết tật (trong đó, hai người xe lăn, một người xe ba bánh) là anh Nguyễn Đức Minh và anh Lê Việt Cường cùng “đồng tâm hiệp lực” sáng lập Kym Việt với ước mong “đi được bằng đôi chân vững vàng, có sẵn ở tâm hồn”.

Trong ba năm đầu (2013 - 2015), mẫu mã Kym Việt chèo chống vượt qua nhiều khó khăn. Cơ sở đầu tiên đặt ở sân một ngôi nhà thờ họ đường Hồ Tùng Mậu, sân vỏn vẹn 5 m². Còn sau đó là hai phòng cấp bốn đi thuê, mỗi phòng 10 m², một để làm nơi làm việc, một để cho các nhân viên (tăng lên bốn người, đều khiếm thính). Anh Hoài quản trị máy móc công nghiệp, anh Cường xe ba bánh, anh Minh xe lăn hai bánh giao hàng. Trong quá trình đầu tiên này, hội đồng quản trị có sự góp mặt đồng cảm của hai người là chị Nguyễn Thị Đính và chị Nguyễn Thúy Ngọc. Cả hai chị lành lặn, đều từng làm việc trong các tổ chức trợ giúp người khuyết tật lâu năm. Chị Đính quản lý sản xuất, đóng hàng giao, chị Ngọc thì làm kế toán và mua nguyên vật liệu…

Khó khăn rất nhiều nhưng Kym Việt quyết liệt: “Không bán nước mắt cho khách hàng; không để sản phẩm khuyết tật như thân thể người sáng tạo; không sống nhờ vả vào những gói tài trợ nhân đạo”. Tiêu chí của Kym Việt là đạt tới sản phẩm chất lượng cao, tránh độc hại như những sản phẩm giá rẻ đầy rẫy thị trường. Giữa năm 2015, Kym Việt may mắn được những người giỏi góp mặt, chung tay, là Tập đoàn Le Brothers tham gia cổ đông và đầu tư vốn. Nhiệt tình nữa là sự tham gia cổ đông để tái cơ cấu Kym Việt của PGS, TS Trương Thị Nam Thắng - giảng viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân (chị Thắng còn là Trưởng Mạng lưới doanh nghiệp xã hội Việt Nam). Cùng sự tham gia của hai họa sĩ chuyên nghiệp thiết kế mẫu là Nguyễn Viết Dũng và Kiều Tuấn. Sự chung tay của những tâm hồn mạnh khỏe, nhiệt tình, giỏi giang đã đem lại những thành công lớn vào năm 2016 (doanh thu chín tháng của 2016 gấp tám lần cả năm 2015). Trụ sở chính thức của Kym Việt đã chuyển tới ngôi nhà năm tầng, số 22, ngách 43, ngõ 108 Trần Phú (thuộc khu giãn dân Mỗ Lao, Hà Đông).

Anh Việt Hoài rớt nước mắt khi hạnh phúc của công việc song song “cùng tiến” với hạnh phúc riêng tư. Bởi cũng vào năm 2016, sau ba năm kết hôn, bé trai đầu lòng của anh mới ra đời… Sau 5 năm thành lập, Kym Việt cũng “làm tròn” được… năm đám cưới cho năm thiếu nữ khuyết tật là nhân viên từ các vùng quê. Tôi gặp hai cô dâu trẻ Phùng Linh Chi (sinh năm 1994) mới cưới cuối tháng 11-2018 và Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh năm 1997) mới cưới giữa tháng 12-2018. Còn bạn Đào Thị Huế (sinh năm 1993) lấy chồng tròn một năm trước. Hai thiếu nữ khác đã sinh con, đang vẫn phải dành thời gian chăm các bé.

Tôi hỏi về bí quyết để tạo nên sự thành công về sự nghiệp “tặng quà thiếu nhi” và đem lại niềm vui, hạnh phúc tới bất kỳ ai qua đây dù ngắn hay dài. Anh Hoài trầm ngâm rồi chỉ tay hướng tôi nhìn tới “slogan”, rồi lại cười hỏi lại: “Tôi cũng chả biết nói bí quyết làm sao, vì mọi thứ hiện ra đầy đủ trước mắt cậu đấy thôi. Còn Kym Việt ở đây là “Sản phẩm thay cho lời nói”. Thế cậu thấy sản phẩm của chúng tôi chất lượng ra sao”.

Bàn tay mê mải, nối dài tình thương... ảnh 1

Chị Đỗ Thị Huê, nhân viên lớn tuổi nhất với chú lợn bông khổ lớn.

Cái tên Kym Việt chính do Việt Hoài chọn. Anh giải thích giản dị rằng mình chọn từ ý “kim khâu Việt Nam” để đặt tên thương hiệu tạo dựng thú nhồi bông cho nhóm trẻ của tương lai. Dù chiếc kim dùng nguyên âm “I” ngắn thì luôn là kim nhỏ, nhưng sợi chỉ nối với đuôi kim sẽ kéo dài bất tận, để tạo đường dài gấp nên cái đẹp và hạnh phúc. Bởi vậy, anh đã chọn chữ “Y” dài cho chiếc kim của thế hệ cùng khuyết tật như mình.