Hành trình của “những chiến binh sao vàng”

Slogan của đội tuyển (ĐT) Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2018 là “Golden star Warriors” (Những chiến binh sao vàng). Với cái tên mang hình ảnh cờ Tổ quốc, thầy và trò HLV Park Hang-seo đã bước lên đỉnh vinh quang, làm hàng triệu con tim người hâm mộ vỡ òa trong hạnh phúc, khép lại hành trình kỳ diệu trong suốt một năm của nền bóng đá nước nhà.

Đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018 trên sân Mỹ Đình.
Đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018 trên sân Mỹ Đình.

1/ “Đầu năm lấy bạc, đất Thường Châu/ Tuyết trắng sương rơi, pha mái đầu/ Hạ qua thu tới, đồng không lấy/ Sang đông lấy vàng, có sao đâu...”, bài thơ vui của các cổ động viên đã gói ghém trọn vẹn những dấu mốc trong năm đáng nhớ của bóng đá Việt Nam. Tháng 1-2018, đoàn quân của Park Hang-seo gây chấn động tại giải U23 châu Á diễn ra ở Thường Châu (Trung Quốc) khi lần lượt vượt qua những đội bóng mạnh để có mặt ở trận chung kết. Hình ảnh những đốm lửa đỏ trong cơn mưa tuyết ở Thường Châu, cú sút phạt cầu vồng kỳ ảo của Quang Hải và những giọt nước mắt tiếc nuối sau trận chiến bi hùng trước U23 Uzbekistan đã bắt đầu cho một năm lịch sử của bóng đá Việt Nam.

Hơn sáu tháng sau giải U23, ông Park Hang-seo dẫn dắt ĐT Olympic dự ASIAD 2018. Olympic Việt Nam lần lượt vượt qua ứng viên vô địch Nhật Bản, tiếp tục tỏ ra là “khắc tinh” với các ĐT Tây Á khi vượt qua Olympic Bahrain, Olympic Syria và chỉ thua Olympic Hàn Quốc tại bán kết.

Với AFF Cup, nơi đã 10 năm ĐT Quốc gia lỡ hẹn với cúp vàng. Không phụ lòng các cổ động viên, thầy và trò HLV Park Hang-seo duy trì được mạch trận bất bại liên tiếp, ghi 15 bàn thắng và chỉ để thủng lưới bốn bàn. Không chỉ sở hữu hàng phòng ngự chắc chắn nhất giải, ĐT còn có những gương mặt biến ảo trên hàng công, điển hình là Quang Hải với danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất”. Bất kể đối thủ là ai, từ Lào, Myanmar, Campuchia, Philippines cho tới Malaysia, ĐT Việt Nam luôn thể hiện tinh thần chiến đấu tuyệt vời, nỗ lực hết mình của toàn bộ các cầu thủ, dù đá chính hay vào sân từ ghế dự bị.

Mỹ Đình dậy sóng. Phố phường ngập trong sắc đỏ sao vàng. Năm “đại cát” của bóng đá Việt Nam kết thúc bằng ngôi vô địch Đông-Nam Á đầy thuyết phục.

2/ Ngày 11-10-2017, nhiều cổ động viên Việt Nam còn phải tìm kiếm trên Google để biết thông tin về Park Hang-seo, khi ông chính thức trở thành HLV trưởng các đội U23 và ĐT Việt Nam. Chiến lược gia 59 tuổi lúc đó bị nhiều người nghi ngờ về khả năng. Nhưng một năm sau, báo chí và người hâm mộ trong nước trìu mến gọi ông là “thầy Park”. Xây dựng các ĐT như một gia đình, đó cũng là mấu chốt thành công của Park Hang-seo. Ông dạy các học trò cách ngẩng đầu, xóa tan sợ hãi trong mọi trận đấu, nghiêm cấm thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nhưng trên hết, đội bóng của “thầy Park” là một khối thống nhất, nơi ông là cha, là bạn, còn các cầu thủ như anh em trong nhà. Nơi ấy, “thầy Park” chống tay massage cho Đình Trọng, ân cần chăm sóc vết rách mi mắt cho Quang Hải, ngộ nghĩnh selfie cùng Văn Toàn… Cũng nơi ấy, Xuân Trường lấy chăn cho đồng đội giữa cái rét cắt da ở Thường Châu, viết tên đồng đội vắng mặt vì chấn thương lên lưng áo trong đêm vinh quang Mỹ Đình… Ông đã làm gì để khiến tất cả đoàn kết một lòng vì ngôi sao vàng trên ngực áo?

Bức thư dài gửi các học trò khi hết hợp đồng với LĐBĐ Việt Nam của trợ lý, HLV thể lực Bae Ji-won có thể làm nhiều người rơi nước mắt. Ông Bae bồi hồi nhắc từng người trong ĐT, kể cả những cái tên thầm lặng trong vinh quang như thủ môn Tuấn Mạnh hay trung vệ Lục Xuân Hưng. Gần 20 lần “điểm danh” các học trò cũng là ngần ấy lần Bae Ji-won nhắc đến “nụ cười” của họ. Đó là ký ức đẹp nhất ông lưu giữ về những chàng trai mình vô cùng yêu quý. Gia đình của “thầy Park” ấm áp mà bình dị, bởi không ai bị bỏ quên trong chiến thắng của tập thể, dù họ âm thầm đứng sau “cánh gà”…

3/ Báo chí châu Á trầm trồ trước chuyên môn biến hóa của HLV Park Hang-seo. Ông đã ứng dụng tài tình sơ đồ 3-4-3, đưa vào khái niệm “wing-back” (hậu vệ - tiền vệ cánh) hiện đại, đang được nhiều đội bóng mạnh của thế giới ưa chuộng. Cách chơi trực diện, sắc sảo, nhất là trong thế phòng ngự - phản công của “thầy Park” làm thay đổi hoàn toàn hình ảnh một đội tuyển Việt Nam trước đây luôn nhạt nhòa về chiến thuật, lỏng lẻo về cự ly đội hình và dễ dao động về tâm lý.

Trong tay “thầy Park” lúc này là một tập thể tài năng, là “trái ngọt” của quá trình đào tạo trẻ bài bản. Từ “lò” Hoàng Anh Gia Lai, các trung tâm đào tạo khác như PVF, Viettel, Hà Nội hay Nghệ An đang ngày một lớn mạnh. Trong những ngôi sao hôm nay, có nhiều người từng cùng HLV Hoàng Anh Tuấn thành công ở giải U19 châu Á và U20 thế giới, như Đình Trọng, Đức Chinh, Văn Hậu, Quang Hải… Sự chuyển mình chuyên nghiệp trong công tác đào tạo trẻ là mấu chốt thành công. Chúng ta bây giờ mới sở hữu một lứa cầu thủ có kỹ thuật cơ bản và nền thể lực tốt, ý thức kỷ luật chiến thuật cao, đủ khả năng… “bắn” ngoại ngữ với các cầu thủ và bạn bè quốc tế. Cầu thủ trẻ Việt Nam bây giờ không chỉ có chuyên môn tốt, mà còn được đào tạo nhân cách một cách chỉn chu. Họ cống hiến hết mình, ứng xử nhân văn với cả đồng đội lẫn đối thủ, sẵn sàng gạt bỏ vai trò cá nhân để vì cái chung của đội bóng.

4/ Vinh quang luôn đi cùng áp lực, nhận thức đúng về khả năng để tránh rơi vào những kỳ vọng “ảo” không chỉ là chuyện của những người làm bóng đá, các cầu thủ mà cũng rất cần với các cổ động viên. Chinh phục châu Á, hay thậm chí World Cup còn là ý tưởng rất xa. Để bóng đá Việt Nam vươn ra biển lớn, bên cạnh hệ thống đào tạo trẻ, thứ cốt yếu chúng ta cần phải có là điểm tựa từ thể thao học đường.

Chặng đường sắp tới không trải hoa hồng. Và trên lộ trình chông gai ấy, bóng đá Việt Nam cần sự đồng hành của hàng triệu trái tim người hâm mộ. Hãy yêu hết lòng, sống trọn đam mê và làm chỗ dựa cho các chàng trai trẻ. Khi cả nước cùng chung nhịp đập, vinh quang sẽ ngọt ngào thêm nghìn lần, còn thất bại sẽ vơi đi nhiều nhức nhối.

Hành trình của “những chiến binh sao vàng” ảnh 1

Niềm vui chiến thắng. Ảnh: LÊ KHIẾU MINH