“Bén duyên” đất Gò Công

Xuôi về vùng cuối nguồn ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi ở vùng đất đầy nắng gió, được coi là “túi phèn” này, cây thanh long lại phát triển mạnh và tươi tốt đến vậy. Mạnh dạn chuyển đổi từ lúa sang trồng cây thanh long, nhiều gia đình đã trở nên khá giả.

Cây thanh long giúp nhiều người dân Gò Công đổi đời, đón Tết sung túc.
Cây thanh long giúp nhiều người dân Gò Công đổi đời, đón Tết sung túc.

Đổi thay ở vùng đất phèn, mặn

Dự án Ngọt hóa Gò Công đã tạo nên bước ngoặt trong sản xuất nông nghiệp ở khu vực phía đông tỉnh Tiền Giang. Từ sản xuất lúa một vụ/năm, người dân có thể nâng lên thành hai - ba vụ, phát triển vùng chuyên canh rau màu, cây ăn trái. Song, trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là xu hướng tất yếu. Nhiều diện tích sản xuất lúa đã được người dân chuyển sang trồng một số loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn và ít tiêu tốn nước.

Trong giai đoạn chuyển đổi này, cây thanh long được xem như “lối thoát” của người nông dân bởi nó thích ứng thổ nhưỡng, khí hậu, lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so trồng lúa. Huyện Chợ Gạo là “cái nôi” của cây thanh long ở Tiền Giang, đây là địa phương có diện tích thanh long lớn nhất ở tỉnh với hơn 6.200 ha, trong đó, hơn 50% diện tích trồng thanh long ruột đỏ mang lại giá trị rất cao.

Theo thời gian, cây thanh long dần bén rễ rồi “bén duyên” với vùng đất Gò Công. Về huyện Gò Công Tây vào những ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng nhận ra sự thay đổi của vùng đất đầy phèn, mặn trước đây. Xã Đồng Sơn là vùng “đất khó” trong sản xuất nông nghiệp bởi thường xuyên thiếu nước sản xuất mùa khô. Song, lịch sử đã sang trang, Đồng Sơn giờ đây là những vườn thanh long bạt ngàn. Ông Bảy Lượm (ngụ ấp Khương Thọ, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây) là một trong những người đầu tiên mang cây thanh long về trồng trên đất lúa, khởi đầu cho sự phát triển của phong trào trồng thanh long tại địa phương. Với hơn 500 trụ thanh long ruột đỏ khoảng 5 năm tuổi, mỗi đợt thu hoạch, ông Lượm bán được khoảng 100 triệu đồng. Ông đang xây dựng cho mình một mái ấm khang trang để an cư lạc nghiệp.

Ở xã Đồng Thạnh (huyện Gò Công Tây), phong trào trồng thanh long cũng đang phát triển mạnh. Chị Trần Thị Lệ Hằng (ngụ ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) phấn khởi cho biết, cách đây 5 năm, gần 3.000 m2 đất trồng lúa cho thu nhập bấp bênh, có lúc lỗ vốn. Chị Hằng quyết định chuyển sang trồng thanh long dưới ánh mắt hoài nghi của nhiều người. Đất không phụ lòng người, vườn thanh long phát triển tốt, cho năng suất cao, thanh long lại được giá nên có những mùa gia đình chị “thắng đậm”. “Người dân ở đây giờ chuyển sang trồng thanh long rất nhiều. Nhờ cây thanh long, cuộc sống gia đình được thoải mái, có “của ăn, của để”. Tính ra, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập vài trăm triệu đồng nhờ vườn thanh long”, chị Hằng chia sẻ.

Ông Lê Văn Nê, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây phấn khởi: “Diện tích thanh long tăng nhanh tại địa phương. Qua thống kê, hiện toàn huyện có gần 600 ha thanh long, lợi nhuận của thanh long ruột trắng gấp bốn lần so trồng lúa, còn thanh long ruột đỏ thì gấp khoảng 15 lần. Đặc biệt, ngoài giá trị kinh tế, thanh long còn là loại cây thích ứng biến đổi khí hậu, tiêu tốn ít nước hơn cây lúa. Tới đây, huyện sẽ tiếp tục phát triển cây thanh long ở những xã cặp sông Tra; đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc phát triển cây thanh long…”.

Đón Tết đủ đầy

Xuôi về vùng cuối nguồn ngọt hóa Gò Công, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi ở vùng đất đầy nắng, gió, được coi là “túi phèn” này cây thanh long lại phát triển mạnh và tươi tốt đến vậy. Có thể nói, vùng ven biển Gò Công “mẫn cảm” với biến đổi khí hậu, trực tiếp là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Ở vùng này, nhiều người biết đến ông Võ Văn Ra (ấp Xóm Chủ, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) như người “có vấn đề” khi mang cây thanh long về trồng. Ban đầu, ông Ra chuyển 1.500 m2 đất trồng sơ-ri sang thanh long. Nhận thấy thanh long phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao, ông mạnh dạn chuyển cả diện tích lúa sang trồng thanh long ruột đỏ. Dẫn chúng tôi tham quan vườn thanh long bạt ngàn, ông Ra bày tỏ: “Gia đình tôi là hộ đầu tiên trồng thanh long ở địa phương. Khi thấy nhà tôi cắm trụ thanh long, nhiều người nghĩ tôi “không bình thường”. Song như “cái duyên cái nợ”, sau năm đầu, vườn trồng thử nghiệm thu lãi 60 triệu đồng. Những năm tiếp theo, diện tích thanh long này tiếp tục cho lãi nhiều hơn. Từ đó, tôi chuyển toàn bộ diện tích đất lúa sang trồng thanh long. Gia đình tôi đã có 1 ha thanh long ruột đỏ, mỗi năm thu hoạch trừ chi phí thu lãi hơn 500 triệu đồng”.

Nhìn những vườn thanh long đang cho trái sai, dự kiến sẽ thu hoạch vào đầu hoặc giữa tháng Chạp, chúng tôi cảm nhận được khí thế mới trên vùng đất Gò Công khi năm mới sắp đến. Thời điểm này, thanh long đang hút hàng và có giá cao, bà con nông dân đang rất phấn khởi.

Mấy năm vừa qua, dịp cận Tết, thanh long có giá cao nên nhiều gia đình bán thanh long mà cứ như trúng số. Do đó, hầu như nhà nào có trồng thanh long cũng được ăn Tết lớn. Đưa tay chỉ những trái thanh long ngả mầu đỏ, chuẩn bị thu hoạch, chị Trần Thị Lệ Hằng nói: “Tết năm rồi, nhà tôi bán thanh long được hơn 100 triệu đồng, trừ đi chi phí còn lãi khoảng 70 triệu đồng. Vậy là cả nhà có một cái Tết lớn”.

Năm nay cũng vậy, gần 3.000 m2 thanh long ruột đỏ của chị Hằng ước thu hoạch 3 tấn trái, hợp đồng giá với thương lái là 42.000 đồng/kg. Như vậy là lại trúng mùa thanh long. Chị Hằng tâm tình: “Nhờ lợi nhuận cao từ vườn thanh long, nên việc chuẩn bị cho Tết được đầy đủ hơn không thiếu trước, hụt sau như trước”.

Còn anh Trần Văn Tiền (ngụ xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây) cho biết: “Người dân nơi đây 10 nhà thì có tới tám nhà bỏ lúa trồng thanh long. Nếu so cây lúa, thanh long cho lợi nhuận gấp bốn - năm lần. Năm nay, 4.000 m2 thanh long nhà anh tôi cho trái dịp cận Tết, chắc sẽ cho lợi nhuận khá để chuẩn bị cho cái Tết thật chu đáo và đầy đủ”.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về chiến lược phát triển cây thanh long trong thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Chợ Gạo Ngô Hữu Thệ cho biết: “Huyện Chợ Gạo đã sớm có đề án phát triển cây thanh long. Kiểm nghiệm qua thời gian, chúng tôi nhận thấy không có loại cây trồng nào có thể thích hợp phát triển hàng loạt thành vùng sản xuất chuyên canh mà mang lại giá trị cao như cây thanh long. Cây thanh long có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới của huyện. Tuy nhiên, quan điểm của chính quyền địa phương là không mở rộng diện tích trồng tràn lan mà tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong thời gian tới, cần phải nâng cao tiêu chuẩn vườn cây ít nhất phải đạt tiêu chuẩn VietGAP. Địa phương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chế biến các sản phẩm từ cây thanh long, xuất khẩu trái thanh long đi các nước để nâng cao giá trị, giúp phát triển sản xuất thanh long bền vững”.

“Bén duyên” đất Gò Công ảnh 1