Khát khao thay đổi trên đất dốc

Đất đai màu mỡ, phân bổ ở độ cao từ 600m đến trên 2.000m tạo nên các tiểu vùng khí hậu khác nhau là điều kiện lý tưởng để Sơn La xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp phong phú. Ba năm qua, nhờ thay đổi cách nghĩ cách làm, Sơn La đã chuyển đổi thành công hàng chục nghìn ha đất dốc trồng ngô, sắn… kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Mùa hoa mận Phiêng Cành, huyện Mộc Châu (Sơn La).
Mùa hoa mận Phiêng Cành, huyện Mộc Châu (Sơn La).

Những nông dân 4.0

Trước khi có những lô hàng thanh long ruột đỏ xuất khẩu (XK) sang Nhật Bản, Singapore và mới đây vào Mỹ, một thị trường rất khó tính, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ngọc Hoàng cũng đã nhiều lần thất bại. Qua các chuyến đi thực tế học hỏi, ông Vinh đã đưa được giống cây thanh long ruột đỏ về trồng thử nghiệm tại huyện Mai Sơn. Gặp thổ nhưỡng, khí hậu, không khí, nguồn nước trong lành, giống thanh long mới cho trái to, thơm ngon, ngọt đậm. Thấy được hiệu quả từ giống cây trồng mới, ông Vinh đã chuyển giao cây giống, quy trình cho các hộ nông dân cùng trồng và HTX Ngọc Hoàng ra đời. Đến nay, HTX đã có 54 hộ với 70 ha trồng thanh long hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ trồng thanh long, đến nay phần lớn các hộ thành viên HTX đều có ô-tô, thu nhập khá.

Mang theo giống nhãn của quê hương Hưng Yên lên Sơn La lập nghiệp, sau nhiều lần cấy ghép, anh Nguyễn Đức Tình, thành viên HTX Phương Nam, đã ghép tạo thành công giống nhãn cho năng suất cao, quả to với dư vị đậm đà, thơm ngon. Từ năm 2012, anh Tình đã mày mò để tìm cách ủ phụ phế nông nghiệp làm phân chuồng; đồng thời tuân thủ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc sinh học. Vụ mùa 2018 vừa qua, khi chào hàng tại Mỹ, quả nhãn của HTX Phương Nam đã vượt các tiêu chuẩn khắt khe. Hiện HTX Phương Nam có chín thành viên, hộ thu nhập thấp nhất cũng đạt hơn một tỷ đồng/năm từ trồng nhãn.

Hiện tại, những HTX như Ngọc Hoàng, Phương Nam… đều đã thử nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý, minh bạch quy trình sản xuất. Hằng ngày, quá trình chăm sóc, các vật tư sử dụng như phân bón, thuốc trừ sâu, bệnh và các chế phẩm sinh học sẽ được cập nhật vào nhật ký điện tử để lưu trữ và hiển thị trên hệ thống. Đặc biệt, hình ảnh khu vườn còn được truyền trực tiếp qua camera trên trang www.egap.vn. Bên cạnh đó, hệ thống còn hỗ trợ cung cấp cho chủ hộ thông tin cảnh báo thời tiết, sâu bệnh.

“Với người tiêu dùng (NTD), thông qua quét QR-code tem E-Gap cũng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, quy trình sản xuất và thông tin dinh dưỡng của sản phẩm. Với những công nghệ mới này, bạn hàng, NTD khắp thế giới có thể theo dõi chúng tôi đang làm gì tại vườn để yên tâm sử dụng sản phẩm”, ông Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.

Tạo đột phá mới cho Sơn La

Những câu chuyện kể trên chỉ là một phần rất nhỏ trong những việc đã làm được của 530 HTX nông nghiệp, cùng hàng nghìn hộ nông dân ở Sơn La. Theo Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất, ba năm qua là minh chứng và thành quả từ quyết tâm chính trị lớn trong tập trung lãnh đạo xoay chuyển trên mặt trận sản xuất nông nghiệp (SXNN). Sau những chệch choạc, Sơn La đã tìm ra hướng đi mới, phát huy tiềm năng đất đai, khí hậu hướng tới SXNN bền vững, ứng dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, từ đó thay đổi đời sống người dân.

Việc chuyển đổi hàng nghìn ha đất dốc trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả bắt đầu từ Đề án Phát triển cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020. Trong hai năm 2017 - 2018, Sơn La đã trồng mới được 24.500 ha cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 57.439 ha, sản lượng đạt 250.000 tấn. Quản lý vùng nguyên liệu cũng có nhiều chuyển biến tích cực khi đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất an toàn như: VietGAP, Global GAP… Phương châm mới của tỉnh là lo tìm đầu ra cho nông sản chứ không tập trung ở giai đoạn hỗ trợ giống, vốn như trước. Tỉnh cũng đồng bộ, từ việc quản lý, tích tụ đất đai, cơ chế gắn người nông dân thành vệ tinh cho các HTX, doanh nghiệp (DN) chế biến, XK, đổi mới quy trình sản xuất, làm ra sản phẩm để bán, đáp ứng thị trường.

Nhờ đó, năm 2018, nông nghiệp đã tạo đột phá cho Sơn La. Tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh đạt 8,7%, riêng SXNN đạt 12,6%/năm. Thu nhập bình quân của người dân đạt 38,6 triệu đồng, tăng bảy triệu đồng so năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở những huyện nghèo giảm 4,5%. Năm 2018 cũng là năm Sơn La ghi nhiều dấu ấn khi lần đầu tiên giá trị XK đạt 115 triệu USD, trong đó 98,5% là hàng nông sản, với 16 sản phẩm xuất sang 12 nước…

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về chính sách “tam nông” và tổng kết 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới đây, tỉnh Sơn La luôn được nhắc đến với những thí dụ sinh động về đột phá mới trong SXNN.

Là người trực tiếp đưa những trái nhãn, thanh long đầu tiên của Sơn La XK thành công sang thị trường Mỹ, chị Phùng Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty CP thương mại Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam (GreenPath) chia sẻ: “Thường để chinh phục một thị trường mới, chúng tôi phải mất cả năm, nhưng cây ăn trái của Sơn La khi vừa chào hàng đã được đối tác chấp nhận ngay. Tại thị trường Mỹ, những trái cây của Sơn La với dư vị rất riêng đã chinh phục được người bản địa chứ không chỉ là cộng đồng người Việt nơi đây”.

Niềm tin của nhà đầu tư

Sự có mặt của những DN lớn sở hữu công nghệ, kinh nghiệm, mối quan hệ với các đối tác tiêu thụ XK cũng đã trở thành một chất xúc tác mang đến đột phá trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, XK nông sản ở Sơn La. Trong hai năm qua, nhiều DN lớn như: Công ty CP Đồng Giao, Tập đoàn Quế Lâm, Công ty Vina T&T… đã cam kết chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cùng có lợi, gắn kết lâu dài với nông dân Sơn La.

Với tư cách một nhà đầu tư, chị Phùng Thị Thu Hương chia sẻ, tôi đã từng đi qua nhiều địa phương, nhưng hiếm nơi nào có được sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự cầu thị và khát khao thay đổi của người nông dân trong việc tạo đồng thuận đổi mới theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững như Sơn La. Chính điều này đã khiến GreenPath quyết định đầu tư 120 tỷ đồng để xây dựng khu phức hợp gồm trung tâm sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm; chợ đầu mối và khu trung tâm ươm tạo giống, chuyển giao công nghệ trên địa bàn huyện Mai Sơn.

Là người có nhiều năm gắn bó với Sơn La, PGS, TS Mai Quang Vinh, nguyên Phó Viện trưởng Phát triển công nghệ và giáo dục, đồng thời cũng là Chủ nhiệm Nền tảng quản lý, truy xuất minh bạch và kết nối nông sản toàn quốc egap.vn chia sẻ: Sơn La hội tụ đủ các yếu tố về tự nhiên để có thể trở thành một vùng trồng cây ăn quả bền vững lớn nhất cả nước. Việc cần làm của Sơn La là nhanh chóng bắt nhịp để minh bạch, tạo được thương hiệu, niềm tin cho NTD.

Thay đổi mang tính đột phá trong SXNN ở Sơn La những năm qua đang hình thành mối quan hệ gắn kết Nhà nước với DN và nông dân một cách bền vững, tạo môi trường thông thoáng, chính sách hỗ trợ hiệu quả, quan tâm lo đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Chế biến nâng cao giá trị nông sản, tham gia vào các thị trường XK sẽ tiếp tục là hướng đi của tỉnh Sơn La.

Khát khao thay đổi trên đất dốc ảnh 1

Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch tại Hội nghị xuất khẩu tỉnh Sơn La tổ chức tại huyện Mộc Châu năm 2018.