Bắt đầu từ “cô nàng” Sumi
Nguyễn Văn Minh Đức, Giám đốc Công ty công nghệ Hekate giới thiệu về “cô nàng” Sumi, nhân vật ảo đầu tiên của bộ ba “cha đẻ”, rất trẻ, gồm: Minh Đức, Phan Quốc Huy (đều sinh năm 1991) và Dương Văn Phước Thiện (1992). Đây là ứng dụng được ba người tạo ra năm 2016.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp có trách nhiệm về phát triển bền vững 2018, Đức không giấu được tự hào khi tên Đà Nẵng - Việt Nam được nhắc đến nhiều ở lĩnh vực thành phố thông minh. Với Sumi, bằng việc truy cập vào ứng dụng qua messenger, zalo, skype mọi người có thể trao đổi với “nàng” bất cứ điều gì, từ ăn uống, thời trang, du lịch… Chatbot Sumi đã được tham gia ươm tạo tại vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng năm 2017. Hekate là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực chat được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.
Quyết định tạo ứng dụng chatbot vào hỗ trợ du lịch, sau khi trình bày, các bạn trẻ được lãnh đạo thành phố chấp thuận. Chạy thử nghiệm sáu tháng, chatbot “Danang FantastiCity” - kênh tra cứu thông tin du lịch tự động mới trên tin nhắn đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng và phát triển phục vụ khách du lịch nhân dịp APEC 2017. Trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, chatbot được sử dụng như một kênh thông báo đến người dân, du khách về các hoạt động trong khuôn khổ APEC. Các lịch trình hoạt động, lệnh cấm di chuyển trên các tuyến đường cũng được chatbot cung cấp chi tiết, giúp người dân có thể dễ dàng đi lại và hưởng ứng APEC một cách trọn vẹn nhất.
Một năm trôi qua, nhiều người đã trải nghiệm chatbot bằng cách gõ “Danang FantastiCity” ngay trên ứng dụng nhắn tin messenger trên facebook hoặc truy cập vào đường dẫn m.me/visitdanang. Cùng với Singapore, Đà Nẵng là một trong hai điểm đầu tiên tại Đông - Nam Á đưa ứng dụng công nghệ chatbot vào du lịch.
Món quà cho thành phố
Tháng 4-2018, Đà Nẵng chính thức sử dụng “Danang FantastiCity” vào du lịch tiện ích, giảm lượng công việc cho Trung tâm Hỗ trợ du khách Đà Nẵng. Tính đến nay, ứng dụng đã hỗ trợ hơn 21.000 lượt du khách với 285.900 lần hỗ trợ, tương tác. Đặc biệt, với ứng dụng này, Hekate đã làm hoàn toàn miễn phí “trao tặng” cho thành phố.
Chị Nguyễn Thị Phương Uyên (28 tuổi) dẫn bạn bè đi du lịch tại Đà Nẵng, đã thử ứng dụng và hào hứng cho biết: “Thường thì mình phải vào các trang web để đọc về các điểm du lịch của thành phố, nhưng khi vào “Danang FantastiCity” mình sẽ được cung cấp sẵn các điểm vui chơi, ăn uống, đi lại, cả dự báo thời tiết để mọi người sắp xếp chuyến đi tiện lợi hơn. Chatbot của Hekate đã thuyết phục được đại diện Chương trình Phát triển của LHQ tại Việt Nam và nhận được sự hỗ trợ để triển khai dự án chatbot vào hành chính công. Giới thiệu về “Chatbot 1022”, các bạn trẻ chia sẻ, ứng dụng sẽ là những “tổng đài viên” được lập trình sẵn nhằm tự động trả lời các câu hỏi, thắc mắc của người dân về thủ tục hành chính, giao thông, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, tra cứu lịch sự kiện, thời tiết, địa điểm tham quan…
“Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Đà Nẵng đang tăng cường sự tham gia của người dân trong việc phát triển một thành phố bền vững, có sức đột phá bằng cách cho phép người dân tiếp cận được thông tin cần thiết để đưa ra các quyết định liên quan đến tương lai của thành phố”, Seán O’Connell - cán bộ phụ trách nhân quyền và đổi mới, thuộc Chương trình Phát triển của LHQ tại Việt Nam nhận xét.
Hai năm khởi nghiệp, các bạn gặp khá nhiều khó khăn, là vốn, là kinh nghiệm quản lý, là kiến thức… Hiện Hekate đã đi những bước khá vững vàng, các bạn vẫn còn học rất nhiều ở những chặng đường tiếp theo. “Cả ba đều mong muốn những gì mình đã làm được sẽ giúp Đà Nẵng bước đến gần hơn với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh”, Nguyễn Văn Minh Đức chia sẻ.
Ứng dụng chatbot vào hành chính công.