Tìm hướng xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Hà Nội có gần 1.000 làng nghề thủ công mỹ nghệ, nhưng không phải doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nào cũng có điều kiện tiếp cận bạn hàng nước ngoài, giới thiệu sản phẩm và ký kết hợp đồng xuất khẩu. Do đó, thành phố đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến giao thương, tổ chức các kỳ hội chợ quốc tế, nhằm tạo cầu nối cho hàng thủ công mỹ nghệ vươn ra thị trường quốc tế.

Khách hàng tham quan, tìm hiểu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Hội chợ Hà Nội Giftshow.
Khách hàng tham quan, tìm hiểu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Hội chợ Hà Nội Giftshow.

Không giống như những hội chợ bán hàng đơn thuần, sáu năm nay Hội chợ quốc tế quà tặng, hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội (Hà Nội Giftshow) đã trở thành điểm đến quen thuộc của hàng trăm nhà nhập khẩu nước ngoài. Họ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Nhật Bản, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Xin-ga-po,... và một số nước châu Âu, nhằm tìm kiếm những sản phẩm độc đáo, những cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có thể đáp ứng các đơn đặt hàng. Hội chợ năm nay với 650 gian hàng của 250 doanh nghiệp đã tiếp đón gần 600 doanh nghiệp nước ngoài đến tham quan, giao dịch, ký kết hợp đồng. Năm 2016, hội chợ này đã có 1.200 biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề với đối tác nước ngoài, mười hợp đồng với tổng trị giá hơn 305 nghìn USD được ký trực tiếp ngay tại hội chợ.

Để thuyết phục những bạn hàng nước ngoài, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề đã tuyển chọn, mang đến Hanoi Giftshow những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, độc đáo, có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao. Trong đó, nhiều sản phẩm làm từ chất liệu truyền thống như: Gốm, lụa, mây tre, sơn mài, đồng, bạc… nhưng có mầu sắc, dáng vẻ hiện đại, công năng, ứng dụng phong phú và phù hợp với thị hiếu của khách quốc tế. Đó là những món đồ trang sức kết hợp giữa đồng và hạt đá, là những chiếc đèn làm từ mây tre, những chiếc loa làm từ gốm…

Anh Nguyễn Văn Kiên, chủ cơ sở sản xuất gốm Ký Danh (làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm) cho biết, cơ sở của anh thường xuyên tham gia các kỳ hội chợ Hanoi Giftshow và tiếp cận được nhiều bạn hàng quốc tế. Mới đây, một doanh nghiệp của Mỹ khi tham quan gian hàng của anh rất thích hoa văn, mẫu mã của sản phẩm và quyết định ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm gốm Ký Danh sang thị trường Mỹ. Theo nhiều doanh nghiệp tham gia hội chợ, đây không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp làng nghề quảng bá sản phẩm , mà còn là cơ hội để nắm bắt thị hiếu của khách nước ngoài, từ đó thay đổi để phù hợp với thị trường.

Đánh giá cao những sản phẩm thủ công mỹ nghệ giới thiệu tại hội chợ, nhưng nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài cũng chỉ ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề trong nước còn nhiều điểm yếu, hạn chế khả năng phát triển ở thị trường quốc tế. Ông A.Sai-tô, một thương nhân Nhật Bản đã ba lần tìm đến Hanoi Giftshow chia sẻ, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có rất nhiều sản phẩm thủ công làng nghề tinh xảo, độc đáo và có tính thẩm mỹ cao, được người Nhật Bản ưa thích. Tuy nhiên, các sản phẩm vẫn còn đơn điệu về mẫu mã, ít hoặc chậm ra mẫu mã mới. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được những đơn hàng lớn, cần thực hiện trong thời gian ngắn. Ngoài ra, người tiêu dùng ở các nước phát triển rất quan tâm đến độ an toàn của sản phẩm, nhưng nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chí này, sử dụng sơn, chất bảo quản... quá mức quy định.

Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, Hà Nội có nhiều làng nghề, nhưng sản xuất chủ yếu tại các hộ gia đình đơn lẻ, manh mún, chưa có sự liên kết để đáp ứng các đơn hàng lớn với yêu cầu chất lượng đồng đều. Do đó, thành phố cần giải quyết sớm vấn đề mặt bằng sản xuất cho các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề. Đồng thời, biến làng nghề thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thú vị, thu hút bạn bè quốc tế đến tham quan và biết về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nước ta.

Theo Thứ trưởng Công thương Cao Quốc Hưng, xu hướng mua sắm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng tăng, nhất là các nước phát triển. Ở Việt Nam, mặt hàng này được sản xuất chủ yếu từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, nguyên liệu nhập khẩu không đáng kể, cho nên xuất khẩu đạt mức thu ngoại tệ rất cao. Vì vậy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ cần tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước để đẩy mạnh xuất khẩu. TP Hà Nội cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ, tiếp tục chỉ đạo Sở Công thương tổ chức các hội chợ xuất khẩu như Hanoi Giftshow ngày càng có quy mô lớn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, thành phố sẽ quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho công tác đào tạo thiết kế, mẫu mã sản phẩm thông qua các cuộc thi, các lớp tập huấn của các chuyên gia thiết kế trong và ngoài nước; tiếp tục mở rộng các cụm công nghiệp để làng nghề có mặt bằng sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động; thực hiện hiệu quả hơn công tác giao thương, xúc tiến thương mại, tạo cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng xuất khẩu, đưa hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội và Việt Nam đến với bạn bè thế giới nhiều hơn.