Huyện Thường Tín (Hà Nội) vừa tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Công chúa Khúc Thị Ngọc và chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền - chùa Vĩnh Mộ, xã Nguyễn Trãi” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học.
Mục đích của tọa đàm là nhằm tìm ra phương hướng trùng tu, tôn tạo cụm di tích Đền - Chùa Vĩnh Mộ xứng với công lao to lớn của công chúa Khúc Thị Ngọc, đồng thời, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu, tạo điều kiện cho nghiên cứu khoa học và phát triển hoạt động du lịch.
Từ nhiều nguồn cứ liệu lịch sử cho thấy, công chúa Khúc Thị Ngọc còn có hiệu là Quỳnh Hoa công chúa, là con gái của Khúc Thừa Dụ, em gái của Khúc Hạo, người đất Hồng Châu (nay là huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương).
Ngay từ thuở nhỏ Khúc Thị Ngọc đã sớm bộc lộ thiên tư thông minh, ý chí mạnh mẽ. Thời gian sống cùng phụ thân tại phủ Tống Bình, công chúa Quỳnh Hoa khi ấy đã không ít lần được dự bàn việc quân trung, trách nhiệm hậu cần, đánh đuổi giặc phương bắc.
Sau khi Tiên chúa băng hà, Khúc Hạo thay cha trị vì đất nước, Công chúa Khúc Thị Ngọc tự nguyện rời chốn cung vàng điện ngọc, lui về vùng nông thôn, phía nam thành Đại La, giúp dân nghèo khai hoang phục hóa vùng đất sình lầy thành ruộng vườn, làng mạc trù phú.
Cụm di tích đền - chùa Vĩnh Mộ được xếp hạng di tích cấp thành phố tại Quyết định số 158/QĐ-UBND, ngày 4/2/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (nay là UBND thành phố Hà Nội).
Những năm gần đây, Hội đồng Gia tộc họ Khúc Việt Nam thường xuyên phối hợp chính quyền và người dân địa phương, đầu tư trùng tu tôn tạo khang trang ngôi đền, tổ chức lễ hội vào ngày 15 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm ở đền và chùa Vĩnh Mộ theo nghi thức truyền thống.
Tuy nhiên do thời gian, đến nay công trình đền Vĩnh Mộ thờ công chúa Khúc Thị Ngọc bị xuống cấp, quy mô không tương xứng với công lao, tên tuổi của bà. Ngoài ra, chùa Vĩnh Mộ cũng bị xuống cấp trầm trọng, việc trùng tu tôn tạo cụm công trình đền chùa Vĩnh Mộ là rất cần thiết.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học, chuyên gia, chính quyền địa phương, con cháu họ Khúc… đều khẳng định sự cần thiết của việc tu bổ, tôn tạo di tích, nhằm phát huy giá trị di sản trên cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý.
PGS, TS Nguyễn Công Việt - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhận định, huyện Thường Tín tiến hành trùng tu và mở rộng quy mô khu di tích đền thờ Quỳnh Hoa công chúa Khúc Thị Ngọc là việc làm thiết thực tưởng nhớ đóng góp của bà đối với nhân dân thời kỳ đầu dân tộc ta dựng nền tự chủ. Việc tạo dựng thiết chế văn hóa cơ sở thể hiện lòng biết ơn và sự kính ngưỡng với đóng góp của bà.
Kết thúc buổi tọa đàm, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh đánh giá cao và thống nhất ý kiến phát biểu của các đại biểu.
Đồng chí khẳng định, việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử quần thể đình - đền - chùa Vĩnh Mộ, nhất là đền thờ Công chúa Khúc Thị Ngọc phát huy tối đa các giá trị văn hóa, lịch sử là việc cần sớm thực hiện. Qua đó, góp phần hun đúc thêm lòng yêu mến, niềm tự hào về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử, đồng thời còn là dịp tôn vinh nét đẹp con người Việt Nam.
Đồng chí chỉ đạo, các ngành chức năng, chính quyền huyện Thường Tín báo cáo cấp có thẩm quyền để lập, triển khai dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đền-Chùa Vĩnh Mộ, xã Nguyễn Trãi. Chia dự án làm các giai đoạn để đầu tư. Xã Nguyễn Trãi triển khai dự án tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa lịch sử cụm di tích đền-chùa Vĩnh Mộ.
Trong giai đoạn đầu, dùng ngân sách của huyện lập bản đồ quy hoạch, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế thi công dự án, phát động các nguồn lực xã hội hóa, nhất là thế hệ hậu duệ của Khúc Thừa Dụ, đóng góp thực hiện dự án.
Trên địa bàn huyện Thường Tín có khoảng 462 di tích và công trình tôn giáo tín ngưỡng, trong đó có 126 di tích đã được xếp hạng (gồm 61 di tích cấp Quốc gia, 65 di tích cấp Thành phố).
Những năm qua, huyện đã huy động các nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, mà trọng tâm là hỗ trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích.
Các em học sinh dâng hương, tưởng nhớ các nhà khoa bảng tại di tích Văn Từ Thượng Phúc (xã Văn Bình, huyện Thường Tín) -công trình được huyện tu bổ, tôn tạo từ nguồn vốn xã hội hóa. |
Giai đoạn 2021 - 2026, cùng với sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội, huyện đang tu bổ, tôn tạo 59 di tích, với tổng kinh phí khoảng 740 tỷ đồng. Bên cạnh ngân sách Nhà nước, huyện huy động nguồn lực xã hội hóa để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các di tích, lễ hội trên địa bàn.
Nhiều di tích được bảo tồn, bảo đảm tính khoa học, phục vụ nhu cầu tôn giáo tín ngưỡng, đồng thời khai thác hiệu quả hoạt động du lịch, điển hình như: Văn Từ Thượng Phúc, Lăng đá Quận Vân; Nhà thờ Nguyễn Trãi; Đền Quán Thánh; Đình Mui; Chùa Đậu; đền Ngũ Xã…